Tài liệu nghiên cứu về Nha Kỹ Thuật và LLDB, một số tài liệu sưu tầm từ websites của Việt Cộng.
Friday, June 26, 2009
Chương 2 / Standing Up MACV-SOG
CHƯƠNG HAI
HÌNH THÀNH SOG
Vạch kế hoạch hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam là một chuyện, nhưng thành lập một tổ chức bí mật để thực hiện kế hoạch đó lại là chuyện khác. Không có một mẫu hình sẵn cho SOG và Chỉ thị số 6 cũng không phân công chuyên gia chiến tranh đặc biệt cho Kế hoạch 34A. Tất cả mọi thứ phải được hình thành từ con số không. Và cần có thời gian để làm việc đó.
Đó chính là tình huống mà trung tá Eward Partain gặp phải khi đến Sài Gòn năm 1964. Là chỉ huy trưởng của hoạt động không vận, bộ phận của ông tiếp nhận các chương trình điệp viên chống lại Bắc Việt Nam mà CIA đang thực hiện.
Partain tốt nghiệp Học viện quân sự Westpoint năm 1951 và nhiều năm là sĩ quan bộ binh, trong đó có chuyến công tác với trung đoàn 25 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trong những năm cuối của thập kỷ 50, Partain, lúc này là thiếu tá, phục vụ hai năm trong lực lượng đặc biệt số 10 ở Đức. Khi đó nhiệm vụ của ông là xâm nhập Estonia bằng đường không, đường biển và đường bộ để tổ chức lực lượng du kích chống đối ở vùng hậu phương của quân đội Liên Xô trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Partain nhớ lại rằng “các nhóm thuộc lực lượng đặc biệt 10 được phân theo từng quốc gia cụ thể, chúng tôi nghiên cứu địa bàn, học ngôn ngữ. Về cơ bản đó là việc lãnh đạo du kích". Được hình thành theo mô hình của OSS trong chiến tranh thế gian thứ hai, nhưng mục đích của lực lượng này, Partain nhấn mạnh, không phải là tạo ra mạng lưới điệp viên ở vùng hậu phương của Liên Xô: "Chúng tôi được CIA cho biết là sẽ có những điệp viên cài trong phong trào chống đối trước khi chúng tôi xâm nhập". Nhiệm vụ của đơn vị 10 không phải là thiết lập và chỉ huy mạng lưới điệp viên(1).
Tổ chức bí mật nơi Partain đến nhận nhiệm vụ một mặt còn đang được hình thành, mặt khác "chịu sức ép đáng kể buộc phải hoạt động ngay". McNamara, Mac Bundy, Rostow - những ông lớn ở Washington - đòi hỏi phải gây sức ép đối với Hà Nội. Hệ quả là các nhân viên quân sự được "triệu một cách khẩn cấp từ các đơn vị khác nhau của MACV, thậm chí trực tiếp từ chiến trường rồi ghép lại với nhau, trong đó có một số nhân viên hầu như không có kinh nghiệm gì về nội dung hoạt động nhưng được yêu cầu phải làm việc". Quả là phương pháp làm việc vội vã. Khi nhớ lại Partain cho rằng "lẽ ra phải có mô hình tổ chức được phê duyệt trước và có những người được phân công để lập ra và hoàn thành kế hoạch trước khi bắt đầu hoạt động"(2). Nhưng điều đó đã không xảy ra vào năm 1964.
ĐẠI TÁ CLYDE RUSSELL ĐẾN SÀI GÒN
Partain phục vụ dưới quyền đại tá Clyde Russell, vị chỉ huy đầu tiên trong tổng số năm người lãnh đạo SOG. Russell đến Sài Gòn cùng với một nhóm tiền trạm nhỏ vào tháng Giêng và trong vòng 6 tháng liền phải làm việc không ngơi nghỉ. Ông được chỉ định lãnh đạo MACVSOG hay SOG. Russell tham gia lực lượng đặc biệt trong những năm 1950, sau khi đã phục vụ trong lực lượng nhảy dù và bộ binh. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông nhảy dù xuống Pháp và Hà Lan. Sau chiến tranh, ông được điều về lực lượng bộ binh và đã từng là tham mưu trưởng của Trường bộ binh ở Fort Benning. Không ai biết lý do tại sao ông lại chuyển sang lực lượng đặc biệt.
Russell là một người chỉ huy hoạt động đặc biệt có nhiều kinh nghiệm, đã từng chỉ huy tiểu đoàn 1 của lực lượng đặc biệt 10 ở Đức và Nhóm lực lượng đặc biệt số 7 ở Fort Bragg mà địa bàn hoạt động chủ yếu là Mỹ Latinh. Vì vậy, mặc dù Russell là một trong những sĩ quan cao cấp của lực lượng đặc biệt, đối với ông châu Á hoàn toàn mới mẻ. Hơn nữa, kinh nghiệm chiến tranh không quy ước ở lực lượng đặc biệt 10 không giúp gì cho ông trong việc chỉ huy các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc.
Sau khi đến, đại tá Russell gặp gỡ nhân viên thuộc phòng hoạt động đặc biệt của trung tâm CIA tại Sài Gòn, trong đó có Herb Weisshart - người sau đó trở thành phó của ông. Weisshart nhớ lại rằng những ngày đầu của SOG thật là hỗn độn. Đó không phải là tổ chức được chuẩn bị cho hoạt động. "Đó là tình trạng mò mẫm từng bước một. Trước hết, Russell không có kinh nghiệm trong các hoạt động ngầm chống lại địa bàn bị từ chối". Điều này cũng đúng với những thành viên khác trong nhóm tiền trạm. Theo Weisshart, "những nhân viên này bị quẳng vào một tình huống hoàn toàn mới mẻ mà họ chưa từng biết đến. Ở đây ý của tôi là họ không hề có kinh nghiệm hoạt động chống lại địa bàn bị tử chối. Và cần có thời gian để họ làm quen với môi trường khắc nghiệt đó."(3).
Việc thiếu kinh nghiệm không phải là khó khăn duy nhất của Russell ở thời điểm 1964 khi ông cố gắng dựng lên hình hài của SOG. Có rất nhiều vấn đề khác cần phải xử lý.
Russell được cho biết rằng mọi nguồn lực của CIA dành cho hoạt động ngầm ở Bắc Việt Nam sẽ được chuyển cho SOG. Những nguồn lực đó sẽ là hạt nhân cho các chương trình mở rộng của Kế hoạch 34A. Thêm vào đó, nhiều nhân viên CIA, những người chỉ đạo các chương trình này, sẽ phục vụ dưới sự chỉ huy của Russell. Tất cả các việc đó đã được quy định trong chỉ thị 57. Nhưng tại trụ sở CIA, giới lãnh đạo của cơ quan này không hài lòng với việc đóng vai trò thứ yếu so với Lầu Năm Góc trong hoạt động bí mật. CIA định chuyển giao toàn bộ mọi nguồn lực, tài sản có liên quan đến hoạt động bí mật chống miền Bắc cho SOG và coi thế là xong việc của mình. CIA chẳng thích thú gì việc cung cấp cho SOG những nhân viên giàu kinh nghiệm và nhận chỉ thị từ giới quân sự.
Chương trình chống Hà Nội của CIA chỉ có quy mô rất khiêm tốn và những gì được chuyển giao cho MAEVSOG lại còn ít hơn, bao gồm: bốn toán biệt kích và một điệp viên đơn tuyến đã xâm nhập được vào miền Bắc; một số phi công quốc dân đảng phục vụ cho các chuyến bay tung gián điệp và tiếp tế; một vài mạng liên lạc; một số cơ sở vật chất phục vụ hoạt động trên biển ở Đà Nẵng; và một chương trình chiến tranh tâm lý mới được thúc đẩy trước khi bàn giao. Russell nhanh chóng nhận ra rằng khó có thể xây dựng được gì trên cái nền đó. Một trong những giả định nhầm lẫn của Russell khi nhận cương vị phụ trách SOG là "chúng tôi sẽ tiếp nhận một cơ sở vật chất con người kha khá"(1). Hay nói một cách khác, SOG sẽ kế thừa một chương trình hoạt động mạnh mẽ. Không rõ tại sao ông lại có ý nghĩ như vậy. Ông đã nghe CIA thuyết trình tóm tắt khi sang Sài Gòn. Phải chăng CIA đã giới thiệu quá mức về những gì họ đang có trong chương trình chống lại miền Bắc hay chính Russell không hiểu được rằng những gì ông thừa kế là rất ít ỏi? Là người thiếu kinh nghiệm trong các hoạt động ngầm, nhiều khả năng là vì lý do thứ hai.
Russell trù tính rằng khoảng ba mươi nhân viên tình báo hạng nhất của Trung tâm CIA tại Sài Gòn sẽ được chuyển sang SOG. Năm 1964, ông chỉ nhận được có 13 người và năm 1965 chỉ còn có chín người. Chỉ thị số 57 của Hội đồng an ninh quốc gia đã giao cho CIA vai trò hỗ trợ trong các hoạt động ngầm bán quân sự có quy mô lớn do quân đội điều hành, nhưng trên thực tế, đại tá Russell thấy CIA làm điều đó một cách miễn cưỡng. Tháng 6 năm 1964, Giám đốc CIA McCone gửi thư cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cyrus Vance trong đó thông báo việc giảm bớt sự tham gia của CIA trong SOG. Thêm nữa, McCone cho biết việc giảm bớt này bao gồm cả số nhân viên được cử sang SOG và khả năng chuyên môn của họ. Lá thư viết “sự hỗ trợ của CIA chỉ dành cho hoạt động chiến tranh tâm lý". Trong thư trả lời, Vance đề nghị không có sự giảm bớt các hỗ trợ của CIA cho SOG(2). Tuy nhiên CIA vẫn tiến hành việc cắt giảm. Không có chứng cứ gì cho thấy Vance đã cố thuyết phục McNamara gây áp lực với Nhà Trắng để buộc CIA thay đổi quyết định.
Ngoài ra, trừ vài trường hợp ngoại lệ như Weisshart, CIA không cử những nhân viên tốt nhất của mình cho SOG. Thay vào đó, những nhân viên giàu năng lực nhất được huy động vào việc mở rộng các hoạt động chống Việt Cộng ở Nam Việt Nam. CIA đã chuyển giao toàn bộ hoạt động chống miền Bắc cho quân đội và chỉ tập trung vào các hoạt động ở miền Nam. Riêng chiến tranh tâm lý là một ngoại lệ CIA sẵn sàng giúp đỡ SOG. Tuy nhiên trên thực tế, việc trợ giúp này cũng thể hiện thái độ lãnh đạm của CIA. Tại Cục Kế hoạch, các chuyên gia về chiến tranh tâm lý không được coi là nhân viên "hàng đầu” của CIA. Những người có nhiều cơ hội thăng tiến hơn là những nhân viên thu thập tình báo bằng con người (có nghĩa tuyển mộ gián điệp) hoặc các lĩnh vực hoạt động ngầm khác (hoạt động chính trị hoặc bán quân sự). Thế là quá đủ cho chỉ thị 57 và vai trò "hỗ trợ” của CIA.
Trong khi Russell đang cố hình thành bộ máy mới, các nhà hoạch định chính sách lại lưỡng lự khi xác định phạm vi hoạt động của SOG. Trên văn bản, Kế hoạch 34 tỏ ra rất tham vọng thậm chí còn có phần thái quá. Mục tiêu của kế hoạch là, như thuật ngữ của Clausewitz, làm suy yếu hai trung tâm trọng lực của Hà Nội. Trung tâm thứ nhất là hệ thống an ninh nội bộ và kiểm soát dân chúng. Các chế độ chính trị như miền Bắc thường rất coi trọng những vấn đề này. Đối với Hà Nội, an ninh nội bộ thậm chí còn có ý nghĩa sống còn vì họ đang chiến đấu chống lại một cường quốc. Để làm suy yếu sự kiểm soát của Hà Nội, Russell cho rằng việc cốt tử là thành lập một phong trào chống đối. Trọng tâm thứ hai mà SOG nhằm vào là đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Theo Russell, các hoạt động thám báo qua biên giới nhằm làm gián đoạn hệ thống hậu cần chiến lược là không thể thiếu được.
Tuy nhiên, tạo dựng một mạng lưới chống đối trong lòng Bắc Việt gây ra sự băn khoăn đáng kể cho các nhà vạch chính sách. Mặc dù đó là một bộ phận cấu thành của Kế hoạch 34, Washington đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này. Đây quả là tình huống khó xử cho Russell. Một mặt, Washington yêu cầu ông nhanh chóng gia tăng hoạt động ngầm chống lại Hà Nội. Mặt khác, chính Washington lại hạn chế quyền hạn của SOG trong việc thúc đẩy phong trào chống đối. Vào năm 1970, Russell nhớ lại "một trong những thất vọng lớn nhất của tôi là không thể phát động phong trào du kích ở Bắc Việt Nam. Khi nhìn lại, giá như chúng ta làm điều đó từ 1964, tôi hoàn toàn tin rằng chúng ta đã có một phong trào chống đối ở miền Bắc"(3). Năm 1964, Washington còn ngăn cản các hoạt động phá hoại đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Điều này cũng làm cho Russell không kém phần lúng túng.
Khi Hà Nội quyết định nhanh chóng mở rộng đường Hồ Chí Minh nhằm tăng cường cho chiến tranh ở miền Nam, đại tá Russell nhận được chỉ thị không được tiến hành các hoạt động chống lại con đường ấy. Ông nhớ lại "trong nhiệm kỳ của tôi, chúng tôi không được phép xâm nhập vào Lào"(4). Phải đến năm 1965, tức là gần hai năm sau khi được thành lập SOG mới được phép tiến hành hoạt động ở đó. Chỉ riêng việc hình thành bộ máy tổ chức của SOG gần như từ con số không đã là rất khó đối với Russell. Giờ đây; sự cấm đoán của Washington đã làm cho nhiệm vụ của ông trở nên phức tạp hơn nhiều.
Russell cũng nhận ra rằng Lầu Năm Góc cũng chưa hoàn toàn ngã ngũ về tổ chức của SOG. Đầu tiên, Russell dự kiến thành lập Lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước hỗn hợp - bắt nguồn từ học thuyết chiến tranh không quy ước của Lầu Năm Góc. Theo tính toán của Russell, việc đó mang lại nhiều lợi thế thực tiễn. Trước hết nó cho phép SOG được sự cung cấp trực tiếp về nhân sự và trang bị. Theo học thuyết chiến tranh không quy ước, việc thực hiện các chiến dịch ngầm trên không, bộ, biển được phép lấy quân nhân của tất cả các đơn vị quân đội. Như vậy, các đơn vị quân đội tiến hành chiến tranh thông thường không được phớt lờ các yêu cầu của SOG. Hai là Lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước hỗn hợp được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của tư lệnh chiến trường, trong trường hợp này là tướng William Westmoreland và việc hỗ trợ, cung cấp và lực lượng được phân bổ cho SOG sẽ được quy định rõ ràng. Điều đó sẽ biến SOG thành một bộ phận của chiến lược chiến tranh chung mà không chỉ là một sự lệ thuộc bề ngoài. Đối với Russell, đó dường như là cách làm đúng đắn.
Tuy nhiên, cũng có một nhược điểm của Lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước hỗn hợp. Jack Singlaub, vị chỉ huy thứ ba của SOG giải thích: "điều mà tôi phản đối là việc giữ nguyên các đặc điểm của quân binh chủng khác nhau trong một bộ máy tồ chức. Tôi cho rằng các hoạt động chiến tranh không quy ước không nên mang đặc điểm của quân chủng nào"(1). Điều này rất quan trọng và chĩa đúng vào vấn đề chủ nghĩa cục bộ kinh niên giữa các quân chủng. Các quân chủng, và ngay cả một tổ chức như SOG, thường tìm cách giữ lại những đặc điểm riêng. Những gì mà Singlaub đề nghị chỉ phù hợp với đặc điểm của SOG nhưng lại trái với truyền thống tổ chức của các quân chủng. Nhưng ngay cả kiến nghị của Singlaub cũng bộc lộ nhược điểm. Bằng việc xoá bỏ đặc điểm của từng quân chủng, mối quan hệ hỗ trợ giữa các quân chủng và một tổ chức như SOG sẽ trở nên mờ nhạt. Như ta sẽ thấy, điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong việc nhận được đúng người từ các quân chủng khác.
Russell nhận thấy khái niệm về lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước không được các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc chấp nhận. Không ai nói cho ông biết lý do tại sao mà ông chỉ biết rằng cần phải tổ chức SOG theo hướng chuyên sâu. Có nghĩa là thành lập các bộ phận chuyên biệt và các bộ phận đó được gắn kết với nhau tương tự như xây từng khối nhà để hình thành một tổ chúc phù hợp với nhiệm vụ hoạt động do cấp trên chỉ huy. Mặc dù ủng hộ mô hình lực lượng đặc nhiệm, Russell cũng không phản đối ý kiến trên vì mô hình đó cho phép ông có được sự linh hoạt ở mức độ nhất định. Mặc dù vậy, giá phải trả cho sự lựa chọn này trở nên rõ ràng khi SOG tìm kiếm những quân nhân đủ tiêu chuẩn cho các hoạt động bí mật.
Russell nhận ra là những người như vậy là rất hiếm trong quân đội Hoa Kỳ. Hơn nữa, nếu có những người như vậy thì cũng rất khó tìm ra họ thông qua hệ thống quản lí nhân sự của từng quân binh chủng. Để thực hiện Kế hoạch 34, SOG cần nhân viên có cách tư duy khác hẳn với những sĩ quan và binh linh được đào tạo về chiến tranh quy ước. SOG cần nhân viên có kinh nghiệm và từng trải về chiến tranh đặc biệt. Công việc càng ít mang tính chất sách vở và lén lút càng cần những kinh nghiệm chuyên sâu. Mà hoạt động chiến tranh tâm lý bí mật và điều hành mạng lưới điệp viên tại địa bàn bị từ chối là những công việc như vậy.
Những gì mà Russell và những người dưới quyền của ông thường tiếp nhận là những cá nhân đến từ các lực lượng chính quy. Đặc biệt là trong thời gian đầu, rất nhiều trong số họ không có kinh nghiệm về các bộ phận nghiệp vụ của SOG - nơi họ đến nhận công tác. Ví dụ, Ed Partain, người được giao phụ trách các hoạt động gián điệp năm 1964, không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. "Tôi mới chỉ làm quen với khái niệm" ông Partain thừa nhận, "và không hề có hiểu biết gì về việc chỉ đạo các hoạt động dưới dạng bí mật". Viên phó của ông đã từng tham gia hoạt động chiến tranh không quy ước trong chiến tranh Triều Tiên nhưng không phải trực tiếp trong lĩnh vực điệp báo. Partain mô tả một cách khái quát các sĩ quan trẻ dưới quyền của mình “tận tâm, cần cù và ham học hỏi, nhưng trong lĩnh vực chỉ đạo điệp viên, họ không hề được đào tạo"(2). Tương tự, các sĩ quan được điều đến bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG chỉ biết chút ít về các kỹ thuật tuyên truyền đen.
Ngay cả khi các nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt được điều động đến SOG, họ có xu hướng quen thuộc với chống bạo loạn hơn là chiến tranh không quy ước. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì vấn đề chống bạo loạn đã được tô đậm dưới thời chính quyền Kenedy. Tổng thống thường bày tỏ sự quan tâm đối với mối đe doạ của chiến tranh giải phóng dân tộc của cộng sản. Viễn cảnh để mất một quốc gia vào tay lực lượng bạo loạn là điều mà Kenedy không sẵn lòng chấp nhận. Chống bạo loạn nhằm vào mục tiêu xoá bỏ hoạt động lật đổ của cộng sản. Kenedy đã cố gắng lái quân đội theo hướng này. Ông chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng tăng cường các tiềm năng chống bạo loạn(3). Do vậy khi Jack Singlaub tiếp nhận cương vị chỉ huy SOG tháng 5-1966, ông nhận ra rằng "các nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt đến Việt Nam sau quá trình huấn luyện chủ yếu theo hướng chống bạo loạn chứ không phải chiến tranh không quy ước"(4).
Để khắc phục vấn đề này, Russell cố gắng yêu cầu các binh chủng tìm ra những cá nhân đã từng tham gia chiến tranh không quy ước. Vì không được "lập trình" để xử lý các yêu cầu này, các lực lượng khác đã không tiến cử được người nào. Trên thực tế cũng không có quy định về tổ chức nào cho phép vị chỉ huy của SOG được xác định và yêu cầu cung cấp các quân nhân giàu kinh nghiệm trong chiến tranh không quy ước. Vào cuối nhiệm kỳ chỉ huy, Singlaub phàn nàn "các quân binh chủng khác chắc chắn có các quy trình cho phép tìm ra quân nhân có kinh nghiệm trong chiến tranh không quy ước và điều động họ đến nơi thực hiện loại công việc này"(5). Hơn nữa nhiều nhân viên đầu tiên chỉ được điều động tạm thời đến SOG trong thời gian sáu tháng. Vất vả lắm Russell mới thay đổi được điều này. Tuy nhiên thời hạn công tác thông thường tại SOG là một năm tương tự như thời hạn của các lực lượng khác được cử sang Việt Nam. Nhưng cũng phải cần đến một năm để một nhân viên chưa hề có kinh nghiệm làm quen với các công việc của SOG. Đến thời điểm đó, thay vì được hưởng lợi từ những gì mà nhân viên đó đã tích luỹ được, SOG lại phải bắt đầu đào tạo nhân viên mới.
Vấn đề phức tạp cuối cùng mà Russell gặp phải vào năm 1964 là mối quan hệ với đối tác Nam Việt Nam của SOG. Theo Kế hoạch 34A, ông phải cố vấn, trợ giúp vật chất và huấn luyện giúp Tổng nha kỹ thuật chiến lược Nam Việt Nam (STD) đủ khả năng thực hiện các hoạt động bán quân sự bí mật chống lại miền Bắc. Hay nói cách khác, SOG giữ vai trò cố vấn. Tuy nhiên thoả thuận này chưa bao giờ được hiện thực hoá. Trong một thời gian ngắn, SOG không chỉ giữ vai trò vạch kế hoạch mà còn là người thực hiện các hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam. Vai trò của STD chỉ giới hạn trong việc cung cấp những người bản xứ cho các hoạt động của SOG và cũng chỉ được tiếp cận một cách hạn chế các hoạt động có tính nhạy cảm. Sự lo ngại chủ yếu của SOG là việc mất an ninh của STD và khả năng cơ quan này bị đối phương thâm nhập.
SỰ PHÁT TRIỂN CỦA SOG
Vào thời điểm Russell rời vị trí chỉ huy SOG năm 1965, phần lớn các bộ phận chủ yếu đã được hình thành theo từng nhiệm vụ chuyên biệt đúng như yêu cầu mà Washington đề ra. Khi SOG phát triển một cách nhanh chóng trong những năm sau đó, bộ máy tổ chức của nó càng trở nên phức tạp với hạt nhân là bốn bộ phận nghiệp vụ. Mỗi bộ phận có nhiệm vụ vạch ra và thực hiện các kế hoạch hoạt động một trong những loại điệp vụ sau: mạng lưới điệp viên và chương trình đánh lạc hướng; tập kích trên biển; chiến tranh tâm lý; và hoạt động thám báo qua biên giới chống phá đường mòn Hồ Chí Minh.
Mỗi một dạng điệp vụ trên được mang một mật danh và có tính khép kín cao. Trong nghề tình báo, tính khép kín là nhằm đảm bảo bí mật. Nhân viên của bộ phận này không nắm được những hoạt động của bộ phận khác. Việc khép kín này là rất chặt chẽ và tác động tiêu cực đến nguyên tắc thống nhất và phối hợp công tác của SOG.
Mật danh cho toàn bộ chiến dịch chống Hà Nội là “Footboy". Mỗi một bộ phận lại có một mật danh khác. Ví dụ, việc cài cắm và chỉ đạo các toán điệp viên hoạt động lâu dài mang tên "Timberwork". Nhưng sau đó Timberwork cũng bao gồm cả các toán biệt kích ngắn hạn và vào cuối năm 1967 được giao điều hành chương trình rất phức tạp nhằm đánh lừa miền Bắc có mật danh là Forae. Đây là một thủ đoạn nhằm làm cho Hà Nội tin rằng nguy cơ bị lật đổ ở trong nước là nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì họ biết.
Hoạt động trên biển mang mật danh là "Plowman". Những hoạt động này bao gồm nhiều hoạt động bán quân sự và tâm lý. "Hulidor" là mật danh của hoạt động chiến tranh tâm lý chống lại miền Bắc. Hoạt động này bao gồm nhiều kỹ thuật tâm lý chiến khác nhau.
Mãi cho đến năm 1965, các điệp vụ của SOG mới được mở rộng bao gồm cả hoạt động thám báo sang Lào. Hoạt động này có hai mục đích: điều nghiên nắm tình hình một cách chính xác về mạng lưới đường Hồ Chí Minh và tiến hành các biện pháp ngăn chặn không cho Hà Nội sử dụng Lào làm bàn đạp để phát động các cuộc tấn công vào Nam Việt Nam. Khởi đầu với mật danh "Shining Brass", chương trình này có các toán thám báo người thiểu số do nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ chỉ huy. Đến năm 1967, hoạt động thám báo qua biên giới được mở rộng sang Campuchia và mang mật danh mới "Daniel Boone".
SOG còn có một bộ phận nghiệp vụ nữa giữ vai trò là người tiếp tế qua đường hàng không cho tất cả các hoạt động bí mật chống lại miền Bắc và tập trung vào đường mòn Hồ Chí Minh. Mật danh của hoạt động đường không này là "Midriff”. Bộ phận này quản lý các máy bay và trực thăng của SOG.
SOG luôn luôn đặt dưới sự chỉ huy của một đại tá bộ binh Mỹ. Với chức danh tư lệnh của SOG, người chỉ huy cần có kiến thức về các hoạt động chiến tranh đặc biệt. Nếu SOG là một bộ phận cấu thành của chiến lược chiến tranh chung ở Việt Nam, tư lệnh của SOG cần phải thích ứng với mối quan hệ công việc với các quan chức lãnh đạo của Bộ chỉ huy viện trợ Mỹ ở Việt Nam và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Người đó cần có sự tiếp xúc với một quan chức cao cấp nhất và phải được coi như là một thành viên trong câu lạc bộ của họ. Nếu không SOG rất dễ dàng bị gạt ra rìa và không liên quan gì đến nỗ lực chính của cuộc chiến.
Do vậy việc lựa chọn tư lệnh cho SOG có ý nghĩa quyết định. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh vị trí đó không được giao cho một sĩ quan cấp tướng cùng với những quyền hạn và quan hệ kèm theo. Trong khi các quan chức dân sự cao cấp ở Washington có vẻ nhiệt tình với chiến tranh đặc biệt thì các bạn đồng nghiệp của họ ở Lầu Năm Góc lại có thái độ khác hẳn. Các quân chủng nói chung và lục quân nói riêng không hề nhiễm cơn sốt chiến tranh đặc biệt của chính quyền Kenedy mà có quan niệm ngược lại. Thái độ thiếu nhiệt tình, thậm chí lãnh đạm của giới quân sự được phản ánh qua cách thức giới lãnh đạo lục quân cưỡng lại yêu cầu phát triển năng lực chống bạo loạn của tổng thống Kenedy. Andrew Krepinevich, trong tác phẩm mang tính kinh điển “Lục quân và Việt Nam", đã viết "Thái độ bên trong bộ máy lục quân cho thấy sự thiếu quan tâm đến đề nghị của Kenedy và quan niệm cho rằng lục quân có thể giải quyết bất cứ vấn đề gì nảy sinh trong mọi loại hình xung đột có cường độ thấp. Ví dụ, tướng Lemnitzer, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân từ năm 1960-1962 tuyên bố rằng chính quyền mới tuyên truyền “quá mức" về tầm quan trọng của chiến tranh du kích". Tương tự như vậy, tướng George Decker, Tham mưu trưởng lục quân từ 1960-1962 "đã phản ứng lại bài thuyết giảng của tổng thống trước Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về chống bạo loạn bằng câu trả lời: bất cứ một người lính bộ binh cừ nào cũng có thể đối phó được với du kích". Tướng Earl Wheeler, Tham mưu trưởng lục quân từ 1962-1964 tuyên bố: "về bản chất vấn đề Việt Nam vẫn là vấn đề quân sự". Cuối cùng tướng Maxwell Taylor cho rằng "chống bạo loạn chỉ là "một dạng chiến tranh có quy mô nhỏ" và rằng "tất cả những đám hoả mù do Nhà Trắng tung ra là không cần thiết"(1).
Thái độ của họ đối với chiến tranh không quy ước cũng tương tự. Do vậy, các sĩ quan cấp tướng không thể bị sử dụng một cách phung phí vào một tổ chức như SOG. Hạn chế cấp hàm của tư lệnh SOG ở mức đại tá đã tạo ra những sự cản trở lớn cho tính hiệu quả của tổ chức này. Russell nhấn mạnh một trở ngại trong tiến trình chuẩn y điệp vụ: "Thật là một sự bất lực ghê gớm trong việc xin được sự phê chuẩn của các cấp, trong một số trường hợp, đến cả Nhà Trắng. Trở ngại thì rất nhiều. Ví dụ, chúng tôi đã có kế hoạch thả mìn giả ở cảng Hải Phòng. Đó là một kế hoạch tốt nhưng chúng tôi không được thực hiện. Báo cáo nối tiếp báo cáo được gửi lên nhưng luôn luôn bị bác bỏ. Chúng tôi không hề biết ai bác hoặc tại sao trừ một thứ là điệp vụ bị bác bỏ”(2). Một đại tá không có quyền đòi hỏi có được lời giải thích, nhưng một vị tướng thì có.
Để SOG có sự đóng góp có ý nghĩa đối với chiến lược của Mỹ, việc được tiếp cận với Bộ Chỉ huy viện trợ (MACV) và tiến trình vạch kế hoạch ở Hội đồng tham mưu là cực kỳ quan trọng. Nếu không, các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp sẽ chỉ hiểu biết chút ít hoặc không nắm được hoặc không quan tâm đến giá trị tiềm năng của hoạt động ngầm chống lại miền Bắc.
Clyde Russell không có quyền ra vào tiếp cận với các vị chỉ huy lục quân cấp cao ở MACV và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Khi tham gia lực lượng đặc biệt năm 1950, ông trở thành một phần của lực lượng được coi là không hợp thời vào lúc bấy giờ. Khi nhắc lại những tháng năm đó, thiếu tướng nghỉ hưu Ed Partain còn nhớ: "Vào đầu nhưng năm 1950, các nhóm lực lượng đặc biệt không được coi là một phần của lục quân. Họ bị coi là người ngoài... những chiến binh cừ khôi nhưng không thể sống một cách thoải mái trong thời bình. Anh biết đấy, anh có những người lính mà anh muốn làm đông cứng họ sau trận đánh cuối cùng và làm tan băng cho họ sống lại trước trận đánh đầu tiên của cuộc chiến tranh mới. Vì vậy, đó là những nhóm rất cá tính. Khi được cử đến đơn vị đặc biệt 10, tôi không muốn đi, nhưng không thể được"(1). Là chỉ huy trưởng của SOG, Russell lại càng bị đẩy xa ra khỏi đời sống lục quân. Do vậy khi tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ Mỹ ở Việt Nam, tướng William Westmoreland vạch kế hoạch leo thang chiến tranh năm 1964. Russell không được tham gia tiến trình đó. Ông không được mời tham gia các cuộc thảo luận.
Người thay thế Russell là người hùng của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Don Blackburn. Những thành công của ông ở Phillipines đã được Holywood dựng thành phim vào giữa năm 1950 với tên "Đầu hàng - còn lâu”. Khi người Nhật chiếm giữ Phillipines, ông chạy vào rừng và tổ chức các đơn vị du kích trong số những bộ lạc thiểu số mà phần lớn là người thuộc bộ lạc Igorot. Sau đó họ được biết với cái tên "người sưu tập đầu kẻ thù của Blackburn" và đóng vai trò quyết định khi tướng McArthur giải phóng Phillipines khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản. Vào năm 1944, với những thành tích đó, ở tuổi 29, .Blackburn trở thành viên đại tá trẻ nhất trong lục quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên lục quân không biết phải sử dụng kinh nghiệm chiến tranh không quy ước của ông như thế nào sau khi chiến tranh kết thúc. Đầu tiên họ cố biến ông thành một sĩ quan lục quân đầy kính trọng bằng cách cử ông đến trường bộ binh. Sau khi được đào tạo lại, dự kiến ông sẽ nằm trong luồng chảy chính của lục quân Hoa Kỳ. Năm 1950 ông được cử đến giảng dạy tại trường Westpoint. Tuy nhiên theo một nguồn tài liệu vào lúc bấy giờ, ông luôn luôn tranh thủ đưa vào bài giảng những luận điểm về chiến đấu của riêng ông, đố học viên nghĩ ra cách làm giảm thương vong, và yêu cầu học viên phải suy nghĩ theo hướng không quy ước(2). Rõ ràng, việc trở thành một sĩ quan lục quân chính thống là quá khó đối với thủ lĩnh Blackburn.
Sau khi làm cố vấn ở Việt Nam một thời gian ngắn, Blackburn trở lại lực lượng đặc biệt vào cuối những năm 1950. ông được đưa đến chỉ huy đơn vị đặc nhiệm số 77 ở Fort Bragg. Năm 1961, tổng thống Kenedy tuyên bố rằng chiến tranh đặc biệt là quan trọng và Blackburn được giao nhiệm vụ tổ chức một đơn vị hoạt động ngầm bán vũ trang, một phần trong chính sách của chính quyền đối với cuộc khủng hoảng tại Lào. Sau đó, tháng năm 1965, ông trở thành người lãnh đạo SOG. Dường như Blackburn là con người lý tưởng cho công việc này: ông có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh đặc biệt. Tuy nhiên, ông cũng vẫn chỉ là đại tá nhưng người giữ cấp hàm này lâu nhất trong lục quân Hoa Kỳ.
Người ta thường nói rằng những sĩ quan giàu kinh nghiệm chiến tranh đặc biệt như Blackburn được tướng Westmoreland đánh giá rất cao. Trong hồi ký của mình, vị cựu tư lệnh của MACV tuyên bố "các chỉ huy trưởng của SOG là một nhóm thiên tài"(3). Jack Singlaub, chỉ huy trưởng thứ ba của SOG tin là Westmorelanh coi trọng SOG. Ông viết “ấn tượng của tôi là bạn có thể nhận thấy sự khác biệt về quan điểm đối với loại hình hoạt động này giữa tướng Westmoreland và người tiền nhiệm, tướng Abram. Tướng Abram là người tẩy chay lực lượng đặc biệt. Tôi đã từng nghe ông ta nói là việc tập trung tất cả những quân nhân tốt nhất cho một đơn vị đặc biệt sẽ làm xuống cấp các đơn vị thường trực và không phù hợp với lợi ích của quân đội. Giờ đây tôi có quan hệ tuyệt vời với tướng Westmoreland... Trong suốt hai năm tôi không bao giờ nhỡ cuộc họp sáng thứ hai để báo cáo tóm tắt với tướng Westmoreland về các hoạt động của SOG. Abram thường hoãn hoặc thay đổi thời gian cho các buổi thuyết trình này. Westmoreland không bao giờ làm như vậy”(4).
Westmoreland từng viết "SOG đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của chúng ta chống lại kẻ địch ở Việt Nam"(5). Tuy nhiên, hồi ký của ông cũng thừa nhận ông "có những ý kiến khác biệt về mức độ hiệu quả các hoạt động ngầm do SOG có thể mang lại"(6).
Trong thời gian một năm giữ vai trò tư lệnh của SOG, Don Blackburn chỉ gặp báo cáo Westmoreland có một lần. Theo Blackburn, Westmoreland là "một tư lệnh thông thường của lực lượng thông thường và không thích thú gì các hoạt động kiểu như SOG"(1). Là một người được đánh giá cao trong lĩnh vực hoạt động đặc biệt, Blackburn thất rằng "chưa bao giờ các hoạt động đặc biệt được coi trọng trong tính toán của MACV. Ở đó chỉ có hoạt động thông thường... Có một sự thật được mọi người thừa nhận là hoạt động đặc biệt bị coi nhẹ và bị đối xử như một đứa con riêng"(2).
Như vậy, hai viên tư lệnh đầu tiên của SOG, Russell và Blackburn, phải đối mặt với những cản trở đầy khó khăn. Các quan chức vạch chính sách cấp cao ở Washington muốn sử dụng hoạt động ngầm ép Hà Nội ngừng hỗ trợ cuộc chiến tranh ở miền Nam, nhưng đồng thời lại lo ngại hoạt động này có thể quá nhiều. Trong giới quân sự, SOG là một yếu tố thứ yếu khi họ vạch kế hoạch cho một cuộc chiến tranh thông thường.
Viên phó tư lệnh của SOG luôn luôn là sĩ quan không quân, nhưng không phải là người đang ở vị thế được thăng tiến - rất khó lên được cấp tướng. Vị trí thứ ba của SOG do một quan chức CIA nắm giữ. Quan hệ giữa SOG và CIA luôn rất tế nhị. Bất chấp những quy định trong chỉ thị 57, CIA không hề muốn đóng vai trò lệ thuộc trong hoạt động bán quân sự ngầm do quân đội lãnh đạo. Nếu các nhà vạch chính sách đã giao nhiệm vụ đó cho MACV, thì mặc kệ họ. CIA sẽ chú trọng vào các hoạt động khác.
Trước khi nhận bàn giao, Blackburn đã "đến CIA và gặp Colby đặt vấn đề có được những nhân viên CIA cao cấp giữ chức phó của SOG". Colby lắng nghe nhưng không bao giờ phân công ai. Khi được hỏi xem CIA có giữ vai trò hỗ trợ tích cực không, Blackburn khẳng định "không, ít nhất là khi tôi ở đó. Điều làm cho tôi bị bó buộc là tôi không có đủ nhân viên có kinh nghiệm của CIA. Viên phó CIA thì yếu quá."(3). Các vị chỉ huy sau này có quan hệ công tác khá hơn với các quan chức cấp cao của CIA, nhưng sự tham gia của cơ quan này vẫn hạn chế và chất lượng các nhân viên được biệt phái sang SOG không đồng đều.
Bất chấp những trở ngại này, SOG phình to một cách nhanh chóng tương tự như, hoặc thậm chí còn nhanh hơn, lực lượng quân sự thông thường ở Việt Nam và có bộ máy ngày càng phức tạp. Đến năm 1967, SOG phụ trách các chương trình hoạt động ngầm ở Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia. Sự mở rộng này có thể thấy rõ hơn trong hai sơ đồ ở trang bên. Sơ đồ thứ nhất cho thấy cơ cấu tổ chức năm 1965, một năm sau khi đoàn tiền trạm của Russell đến Việt Nam, lúc đó SOG mới.chỉ có 128 nhân viên. Vào năm 1969, tổ chức này có tới một nghìn nhân viên người Mỹ, vài ngàn người Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan.
Mặc dù đã phát triển nhanh chóng về quy mô, về cơ bản SOG có bốn nhiệm vụ chính kết hợp với nhau tạo nên chiến dịch hoạt động bán quân sự ngầm.
Mạng lưới gián điệp - biệt kích và đánh lạc hướng
Việc cài cắm các toán biệt kích nằm vùng dài hạn ở Bắc Việt Nam là nhiệm vụ của Nhóm không vận của SOG. Từ 1964 đến 1969, bộ phận này được biết với mật danh OP34. Vào cuối 1967, nó có thêm hai nhiệm vụ nữa, đó là bay trinh sát và tham gia chương trình đánh lạc hướng. Dưới thời CIA, việc tung các toán biệt kích dài hạn vào Bắc Việt Nam là vô cùng khó khăn và phần lớn gặp thất bại. Washington đã không quy định rõ về nhiệm vụ của các toán này. Theo OPLAN34, nhiệm vụ của các toán biệt kích là thành lập tổ chức chống đối ở miền Bắc. Vì nhiệm vụ này chưa bao giờ được Washington chính thức cho phép nên họ được giao nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, phá hoại, và chiến tranh tâm lý. Điều lạ lùng là, các toán biệt kích được chỉ thị phải tránh tiếp xúc với dân chúng trong khi thực thi các nhiệm vụ được giao. Trong hoàn cảnh đó, làm sao có thể trông đợi các toán này hoàn thành nhiệm vụ? Năm 1966, một lần nữa nhiệm vụ lại thay đổi. Lần này trọng tâm là thu thập tin tức tình báo và thiết lập các mối quan hệ với dân, và nhiệm vụ thứ yếu là chiến tranh tâm lý và phá hoại. Sự thay đổi này được thể hiện trong bản kế hoạch 15 tháng, theo đó các toán gián điệp - biệt kích được cài cắm hoặc điều chỉnh vị trí để bám theo các tuyến đường chính nối với đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào.
Không chỉ nhiệm vụ của các toán gián điệp-biệt kích dài hạn thường xuyên bị thay đổi do sự hoang mang của Washington, mà bản thân từng điệp vụ cũng bị giám sát một cách hết sức chặt chẽ. Có những lo ngại là các toán này đã bị Bộ Nội vụ Hà Nội vô hiệu hoá, tuy nhiên cho đến năm 1967 không có bất cứ một cuộc thẩm định về phản gián nào được tiến hành.
Đến 1967, hoạt động của các toán biệt kích không làm cho các cấp lãnh đạo hài lòng. Ngay cả trong trường hợp tốt nhất, kết quả hoạt động này cũng rất còm cõi. Hơn nữa, sự lo ngại ngày càng lớn về khả năng các toán này bị vô hiệu hoá đã làm tăng sự nghi ngờ đối với hiệu quả của hoạt động này. Hệ quả là nhiệm vụ của OP34 lại bị xem xét lại một lần nữa.
Lý do cho sự xem xét lại này là: "người ta tin rằng với thời gian hoạt động ngắn và cơ động cao, các toán có khả năng tồn tại và đưa trở về cao hơn"(4). Trên thực tế, việc xâm nhập và đưa các toán biệt kích trở về đã trở thành tiêu chí đánh giá thành công của điệp vụ. Trong năm 1968, thiếu tá George Gaspard là người chỉ huy hoạt động biệt kích ở Bắc Việt Nam. Trước khi nhận nhiệm vụ này, Gaspard đã từng được biệt phái sang CIA ở Triều Tiên với nhiệm vụ giúp phát triển chương trình chống xâm nhập cho cảnh sát Nam Triều Tiên. Đó là một công việc đầy thử thách vào thời điểm Bắc Triều Tiên đang cố tung một số lớn điệp viên vào miền Nam. Theo Gaspard, "chúng tôi đã giết 119 người... đó là vào năm 1967, chúng tôi không bắt được ai làm tù binh vì điều đó rất khó... họ không chịu đầu hàng"(5).
Khi tham gia SOG, Gaspard đã chuyển từ chống xâm nhập sang tổ chức các toán biệt kích xâm nhập vào miền Bắc. Mục tiêu Gaspard đặt ra cho các toán là: "đưa họ xâm nhập, đón họ trở về và thu được một số thông tin từ họ"(3). Điều này quả là rất ý nghĩa khi mà tất cả 500 biệt kích mà CIA và SOG tung vào Bắc Việt Nam không có ai được đưa trở về Nam Việt Nam.
Vào cuối năm 1967, OP34 được bổ sung nhiệm vụ đánh lạc hướng. Ý tưởng này được nảy sinh từ sự nghi ngờ là phần lớn các toán biệt kích cài cắm đã bị vô hiệu hoá và khống chế và Hà Nội đang tiến hành chống SOG bằng việc sử dụng các toán bị bắt làm gián điệp đôi. Nếu đúng như vậy Bắc Việt Nam không chỉ biết được các biện pháp nghiệp vụ và mục tiêu của SOG mà còn cung cấp các thông tin giả thông qua việc liên lạc vô tuyến điện. Chương trình đánh lạc hướng có mật danh là Forae hy vọng làm cho Hà Nội tin là mối đe doạ lật đổ từ bên trong còn lớn hơn nhiều so với những toán biệt kích đã bị bắt. Forae bao gồm 6 hoạt động được tướng Westmoreland phê chuẩn miệng ngày 14-3-1968.
Như vậy, đến 1968, OP34 được chia ra làm ba bộ phận: OP34A, hoạt động gián điệp, OP34B, xâm nhập biệt kích và OP34C, hoạt động đánh lạc hướng.
Hoạt động ngầm trên biển
Hoạt động ngầm trên biển là bộ phận cấu thành quan trọng thứ hai của SOG. Cũng được kế thừa từ CIA, trách nhiệm tiến hành nhiệm vụ này được giao cho nhóm hoạt động trên biển, hay OP37. Tháng Giêng 1964, Bộ phận cố vấn hải quân - tên bình phong của nhóm - được thành lập tại Đà Nẵng. Năm 1965, một bộ phận nhỏ có tên Nhóm nghiên cứu hàng hải được thành lập tại trụ sở của SOG. Về cơ bản, nhóm này có chức năng tham mưu còn Bộ phận cố vấn hải quân là người tiến hành các hoạt động ngầm trên biển cụ thể.
Viên chỉ huy của Bộ phận cố vấn luôn luôn là sĩ quan hải quân. Ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, nhưng người được cử đến chỉ huy OP37 hầu như không có kinh nghiệm chiến tranh không quy ước. Ví dụ Jack Owen, vị chỉ huy đầu tiên là chỉ huy trưởng tàu khu trục và không biết gì về hoạt động ngầm trên biển. Cuộc đời binh nghiệp của Owen gắn liền với đại dương trên những con tàu lớn chứ không phải chỉ huy các con tàu nhỏ tiến hành hoạt động ngầm ở vùng ven biển các địa bàn bị từ chối kiểu như Bắc Việt Nam. Một sĩ quan hải quân sẽ không bao giờ được nâng cấp hàm cao hơn nếu chỉ hoạt động trong bóng tối. Con đường danh vọng nằm ở ngoài biển khơi, trên các con tàu nổi hoặc tàu ngầm lớn. Do vậy, trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp của hải quân tại thời điểm 1964, rất ít người có kinh nghiệm hoạt động ngầm. Trong hải quân, hoạt động đặc biệt không được coi là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, khi được hải quân chọn cử, đó là tín hiệu rõ ràng là Jack Owen không còn là thứ nguyên liệu để tạo ra đô đốc hải quân nữa.
Phó chỉ huy phụ trách nghiệp vụ và huấn luyện của Nhóm cố vấn là sĩ quan lính thuỷ đánh bộ, người thường có chút ít hiểu biết về hoạt động đặc biệt. Nhận xét này rất đúng với trường hợp trung tá James Munson, người được giao nhiệm vụ trên năm 1964. Như sau này James nhớ lại, "Tôi làm việc với CIA... và dường như được Langley (tức CIA) chấp nhận... Tôi đã tham gia hoạt động của Liên hợp quốc và đây là nhiệm vụ hoàn toàn bất thường đối với một sĩ quan quân đội vì khi tiến hành các hoạt động ngừng bắn và gìn giữ hoà bình, chúng tôi phải làm việc với người dân nước chủ nhà và cố đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc và đằng sau đó là mục tiêu của Mỹ, bằng cách sử dụng phương pháp của nước sở tại. Đó được coi là hoạt động đặc biệt"(1). Tuy nhiên, Munson không có kinh nghiệm trực tiếp về các dạng hoạt động bán quân sự bí mật mà OP37 được giao. Munson được chọn vì năng khiếu ngoại ngữ và kinh nghiệm tình báo có được từ lính thuỷ đánh bộ và CIA.
Sự lựa chọn Owen và Munson minh hoạ cho sự khó khăn mà SOG gặp phải trong việc tìm ra đúng người cần thiết. Khi được hỏi liệu các sĩ quan hải quân trong bộ phận cố vấn hải quân có kinh nghiệm gì về hoạt động bí mật không, Munson nhớ lại: "Tôi không tìm thấy ai có bất cứ kinh nghiệm gì phù hợp với nhiệm vụ của SOG". Munson nhớ Jack Owen đã từng nói "Quỷ tha ma bắt, tôi chỉ huy tàu khu trục, tôi có biết quái gì về kiểu hoạt động này đâu”. Owen đã rất thành thực khi thừa nhận "tôi thật sự không biết những chi tiết, nhưng chúng ta là người chịu trách nhiệm, vậy hãy làm tất cả những gì bạn có thể"(2).
Tương tự như OP34, nhiệm vụ của OP37 thường xuyên thay đổi trong giai đoạn 1964-1969. Trong khoảng thời gian này, nhiều hoạt động khác nhau đã được tiến hành. Hoạt động ngầm trên biển bao gồm: các cuộc tập kích trên biển với sự yểm trợ của không quân như: phá hoại, bắt giữ cán bộ Bắc Việt Nam, dùng tàu nhanh bắn phá các mục tiêu trên bờ, ngăn chặn và phục kích các tàu vận tải của miền Bắc cho miền Nam, phân phát hàng chiến tranh tâm lý, bắt cóc công dân miền Bắc mà chủ yếu là ngư dân để phục vụ chương trình chiến tranh tâm lý, tung các toán gián điệp và biệt kích qua đường biển và thu thập tin tức tình báo ven biển.
Nhiệm vụ của các điệp vụ trong từng giai đoạn phụ thuộc vào quyết định của Washington. Ở tầm chính sách thường xuyên có sự xem xét lại và thay đổi nhiệm vụ của hoạt động trên biển. Sự quan tâm của các nhà vạch chính sách đối với các hoạt động ngầm trên biển đã có từ những ngày đầu thành lập SOG mà lý do chính là sự kiện các tàu nhanh của OP37 dính líu vào sự kiện Vịnh Bắc Bộ nổi tiếng tháng 8-1964.
Trong nội bộ bộ phận cố vấn, nhóm nghiệp vụ và huấn luyện vạch kế hoạch và thực hiện toàn bộ các phi vụ hoạt động ngầm trên biển chống lại miền Bắc sau khi đã được Washington bật đèn xanh. Nhóm thám báo và lực lượng đặc biệt của hải quân (SEAL), bao gồm một đơn vị SEAL của hải quân và các nhân viên thám báo, đã huấn luyện các toán biệt kích Việt Nam về hoạt động ven biển dọc theo bờ biển miền Bắc. Nhóm này hỗ trợ và cố vấn cho các thuỷ thủ Việt Nam về chiến thuật, sử dụng vũ khí, xác định phương hướng và hoạt động trên các tàu tốc độ cao mang tên "Nasty". Những thuỷ thủ này chịu trách nhiệm trực tiếp tiến hành các hoạt động trong lãnh hải miền Bắc.
Các nhân viên Mỹ không được phép tham gia bất kỳ hoạt động nào của OP37. Chỉ có nhân viên người Việt dưới sự điều hành của cơ quan an ninh bờ biển trực thuộc Tổng nha kỹ thuật chiến lược được phép Bắc tiến. Cơ quan an ninh bờ biển là đối tác Việt Nam của Nhóm cố vấn hải quân.
Chiến tranh tâm lý
Nhiệm vụ trọng yếu thứ ba của SOG là chiến tranh tâm lý chống lại miền Bắc. Hoạt động này được gọi là tuyên truyền "đen" vì các thông tin và hoạt động được gán cho các nguồn thông tin không tồn tại hoặc bị bóp méo. Nói một cách khác, đối tượng nghe, trong trường hợp này là giới lãnh đạo và nhân dân của miền Bắc, sẽ cho rằng các nguồn thông tin đó không phải từ Hoa Kỳ mà là từ nơi khác.
Chiến tranh tâm lý thường mang vẻ bí hiểm về thủ đoạn và mục đích hoạt động. Chiến tranh tâm lý là một khía cạnh kinh điển của thủ đoạn tình báo. Tôn Tử, nhà chiến lược quân sự cổ xưa của Trung Quốc, rất coi trọng sự đóng góp của chiến tranh tâm lý trong việc giành thắng lợi không cần dùng bạo lực hoặc với bạo lực ít nhất. Tuy nhiên điều này nói thì dễ mà làm thì khó. Chiến tranh tâm lý có rất nhiều điểm chung với việc nghi binh và là một trong những thuật ngữ của thời chiến tranh lạnh gợi lại những hình ảnh về mánh khoé khéo léo của đối phương. Có những người tin rằng chiến tranh tâm lý có thể thay thế một cách có hiệu quả cho chiến đấu.
Việc nghiên cứu kỹ hơn cho thấy chiến tranh tâm lý không phải là điều thần kỳ như vậy. Người ta cho rằng những người cộng sản là bậc thầy về mặt này, và thực ra nhận định này cũng có một phần sự thật. Một nghiên cứu có tính kinh điển về chiến tranh tâm lý trong những năm 1950 - Cuốn sách về các tình huống chiến tranh tâm lý - chỉ rõ là "khái niệm về chiến tranh tâm lý của Liên Xô không có gì bí hiểm. Nó được coi là một vũ khí tổ chức chứ không chỉ là vũ khí bằng lời. Với những người cộng sản, không có sự phân biệt rõ ràng giữa lời nói và việc làm"(1).
Chiến tranh tâm lý là một thành tố quan trọng của chiến lược chung được Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng chống Pháp và Mỹ, những kẻ thù đầy sức mạnh mà Việt Nam phải đối đầu từ 1946-1973. Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông tiến hành một chiến dịch chiến tranh tâm lý mạnh mẽ trên thế giới và trong lòng nước Pháp và Hoa Kỳ. Chiến tranh tâm lý được sử dụng để cô lập Pháp và sau đó là Hoa Kỳ về mặt quốc tế và xói mòn sự gắn kết chính trị trong nước.
Hoa Kỳ mới chỉ trải nghiệm chiến tranh tâm lý trong chiến tranh thế giới thứ hai và chưa bao giờ thực sự làm chủ nó. CIA chỉ đạo các chiến dịch tuyên truyền chống các địa bàn bị từ chối thuộc khối Liên Xô, nhưng mục tiêu chiến lược của những hoạt động này không mấy khi rõ ràng. Một ví dụ cụ thể là Đài phát thanh châu Âu tự do và Đài phát thanh tự do, cả hai đều do CIA chỉ đạo sau khi được nhận bàn giao từ Quốc hội. Mục tiêu của các đài này là chuyển tải thông tin tới những người bị giam cầm sau "bức màn sắt”. Theo cựu nhân viên CIA Cord Meyer, người phụ trách hai đài phát thanh trong những năm 1950, "thành công của chúng tuỳ thuộc vào việc quyết định tạo ra tin tức khách quan và chính xác trong phạm vi có thể và tập trung đưa tin về các diễn biến nội bộ của khối Liên Xô mà Đài tiếng nói Hoa Kỳ hoặc BBC không thể đưa tin" (2).
Theo những người trốn ra từ những địa bàn này, CIA dường như đã đạt được mục đích trên. Đài phát thanh đã thành nguồn tin tức cho những người đằng sau bức màn sắt Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là những người dân đó sẽ làm gì với những thông tin, kiến thức có được từ đài. Theo chính sách của Hoa Kỳ thì ít nhất họ không được khuyến khích có hành vi bạo lực chống lại chính phủ của họ. Hay nói cách khác, thông qua đài phát thanh họ biết được sự thật nhưng sự thật đó không nhằm kích động họ có hành động giải phóng cho mình bằng bạo lực. Thay vào đó, theo Meyer, đài phát thanh góp phần "cải thiện từng ít một khả năng thay đổi dần theo hướng xã hội cởi mở hơn"(3). Các nhà vạch chính sách Hoa Kỳ đã vạch ra ranh giới giữa tiến trình chính trị và cách mạng. Đó chính là ranh giới mà người Hungary không nhận ra hoặc không muốn chấp nhận năm 1956 khi họ cố tự giải phóng mình. Hoa Kỳ, trong một hành động đáng ngạc nhiên, đã từ chối trợ giúp và đứng ngoài khi cuộc cách mạng ở Hungary bị đàn áp.
Khi CIA tham gia chiến tranh tâm lý, giới quân sự chính thống lại xem nhẹ cái gọi là hoạt động tâm lý chiến này. Hoạt động này liệu có thể làm được gì? Các chuyên gia hoạt động tâm lý chiến thường bị các sĩ quan chiến đấu coi thường. Chỉ nói suông với kẻ địch thì chẳng đạt được gì cả. Tốt hơn cả là bỏ hẳn hoạt động này để tái đầu tư nguồn lực vào tàu chiến và xe bọc thép mới. Không giống như những người cộng sản, Lầu Năm Góc không coi chiến tranh tâm lý là một phần quan trọng trong chiến lược chiến tranh nói chung.
SOG kế thừa chương trình chiến tranh tâm lý từ CIA. Kiến trúc sư của CIA về chương trình này là Herb Weisshart. Xuất phát từ kinh nghiệm bản thân khi hoạt động tại Triều Tiên và Trung Quốc, Weisshart triển khai một chương trình "tờ rơi, gói quà rải qua đường không, chương trình phát thanh tâm lý, những bước triển khai bước đầu của một phong trào chống đối giả mạo và hoạt động trên biển sử dụng các tàu nhỏ cho chiến tranh tâm lý”, Weisshart khái quát hoá nỗ lực này là "một hoạt động có ngân sách nhỏ nhoi", quả là lời đánh giá chính xác(4).
Theo Weisshart, chương trình của CIA nhằm vào giới lãnh đạo và dân chúng Bắc Việt Nam. Chương trình chiến tranh tâm lý của SOG cũng nhằm mục tiêu tương tự. Làm cách nào có thể tác động Hồ Chí Minh và giới lãnh đạo Hà Nội? Cái gì có thể làm cho họ lo lắng? Làm thế nào Weisshart và sau đó là đồng nghiệp của SOG hy vọng có thể đánh lừa Hà Nội và nhằm mục đích gì? Theo một cựu chuyên gia chiến tranh tâm lý, mục đích của hoạt động này là làm cho giới lãnh đạo tin rằng họ đang có mối đe doạ về an ninh từ bên trong, rằng dân chúng bất bình về cuộc chiến tranh đang phung phí sinh mạng con cháu họ và hệ quả là hình thành các nhóm chống đối. Khi mối nghi ngờ này được lan truyền, theo Weisshart, "hy vọng là Hà Nội phải chuyển bớt các lực lượng tình báo, phản gián, an ninh nội bộ và quân đội để giải quyết vấn đề an ninh tiềm ẩn đó"(5). Về mặt lý thuyết, đây là những mục tiêu hoàn toàn vừa mức của chiến tranh tâm lý.
Thế còn nhân dân Bắc Việt Nam thì sao. Ở đây CIA đã vạch ra một ranh giới mỏng manh như từng áp dụng đối với Đông Âu trong những năm 1950. Mục đích là cung cấp thông tin chính xác cho nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về chính phủ của họ và cuộc chiến tranh với hy vọng điều đó sẽ làm cho họ bày tỏ sự bất bình, thậm chí có hình thức chống đối ở mức thấp nào đó. Tuy nhiên, một lần nữa, một câu hỏi rõ ràng được đặt ra: Một khi dân chúng Bắc Việt Nam trở nên bất bình và mất lòng tin với chính phủ của họ, Washington muốn họ làm gì. Theo Weisshart, Washington không mong muốn họ "tiến hành các hoạt động bạo lực, nghĩa là không làm nổ các công trình hoặc mục tiêu tương tự... Tôi có cảm giác là Washington muốn dân chúng đạt đến điểm buộc Chính phủ Hà Nội phải áp dụng các biện pháp an ninh nội bộ nào đó...Washington hy vọng sẽ bó tay họ ở mức độ nào đó và buộc họ phải chuyền bớt nguồn lực vào vấn đề an ninh nội bộ thay vì dành cho chiến tranh ở miền Nam"(6). CIA Và SOG không khuyến khích dân chúng Bắc Việt Nam sát hại quan chức của chính phủ Hà Nội. Tại sao? Theo Weisshart, "anh không muốn họ bị sát hại vì những gì anh bảo họ làm"(7).
Mặc dù CIA chuyển giao chiến tranh tâm lý từ năm 1964, đây là một bộ phận còn giữ được nguyên vẹn của SOG. Weisshart ghi nhận, "người của chúng tôi (CIA) tiếp tục điều hành các bộ phận cấu thành của OP39 ngay từ đầu. Sau đó giới quân sự dần thay thế khi họ có đủ khả năng"(1).
Weisshart và trung tá Norbert Richardson chỉ đạo chương trình chiến tranh tâm lý từ những ngày đầu của SOG. Trước đó, Richardson được phân công đến làm việc tại bộ phận chiến tranh tâm lý của Trung tâm CIA Sài Gòn. Cuối mùa xuân 1964, Trung tá Martin Marden trở thành chỉ huy trưởng hoạt động tâm lý chiến của SOG. Marden chỉ có chút ít kinh nghiệm về vấn đề này và những người dưới trướng của ông cũng tương tự như vậy. Họ có thể đã trải qua hoạt động đặc biệt nhưng chưa hề tham gia hoạt động chiến tranh tâm lý. Theo Weisshart nhớ lại, cùng đi với Marden là 25 sĩ quan cấp trung uý và đại uý thông minh, trẻ trung, đầy nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm.
Đại uý John Harrell là một trong số đó. Tốt nghiệp trường lục quân 1959, Harrell đến nhận nhiệm vụ tại Trung tâm chiến tranh đặc biệt tại Fort Bragg để tham gia khoá huấn luyện các đơn vị chiến tranh tâm lý. Tuy nhiên như sau này Harrell nhớ lại, "hoàn toàn không có hoạt động huấn luyện nào từ Trung tâm chiến tranh đặc biệt... Chúng tôi hoàn toàn không có nhiệm vụ huấn luyện. Chúng tôi không có bài tập thực hành nào về công tác tuyên truyền". Harrell cũng không được huấn luyện về chiến tranh tâm lý. “Chúng tôi chưa bao giờ thực sự đi sâu vào vấn đề này. Họ giới thiệu cho chúng tôi về khái.niệm, một số kỹ thuật chiến tranh tâm lý và nghe một số ví dụ nhưng chúng tôi không hề được đào tạo thật sự về hoạt động này"(2).
Khi đến Việt Nam, Harrell được phân công phụ trách chi nhánh phân tích và nghiên cứu của OP37. "Tôi không hề có khái niệm về những việc sẽ phải làm cũng như các loại tài liệu mà tôi phải xử lý ngoài những tài liệu mật. Tôi không biết chúng liên quan đến vấn đề gì"(3). Harrell rơi vào vị thế lãnh đạo một bộ phận mà mình chỉ hiểu biết chút ít. Trong những ngày đầu của SOG, Harrell không phải là trường hợp duy nhất.
Cuộc chiến tranh tâm lý mà SOG tiến hành chống lại Bắc Việt Nam bao gồm các hoạt động sau: Tạo ra trên danh nghĩa một phong trào chống đối có tên Gươm thiêng ái quốc với mục đích gây ra ấn tượng là có một phong trào chống đối đang hoạt động ở miền Bắc; và tiến hành tuyên truyền tâm lý đối với số ngư dân bị bắt tại đảo Thiên Đường. Khởi đầu từ năm 1965, hoạt động tuyên truyền tâm lý này có mục đích thuyết phục những công dân miền Bắc bị bắt cóc là phong trào Gươm thiêng ái quốc là có thật và đang hoạt động ở vùng giải phóng thuộc miền Bắc. Các hoạt động khác bao gồm: đài phát thanh, rải truyền đơn và quà tâm lý, các lá thư giả gửi cho cán bộ và công dân Bắc Việt Nam từ nước thứ ba; làm tiền giả, và đặt các loại bẫy nổ ở Lào.
Hoạt động ngầm chống lại đường mòn Hồ Chí Minh
Nhiệm vụ cuối cùng của SOG liên quan tới các toán thám báo do Mỹ chỉ huy chống lại đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Việc cho tiến hành hoạt động này là một quyết định khó khăn của chính quyền Johnson. Phải mất gần hai năm chính quyền mới cho phép hoạt động "qua giới tuyến" như cách gọi của nhân viên của SOG đối với hoạt động ở Lào. Mặc dù vấn đề phá hoại đường mòn đã được thảo luận trong quá trình vạch kế hoạch OPLAN34, văn bản cuối cùng đã cắt bỏ hoạt động này. Nguyên nhân là do Hiệp định Gionevơ 1962 về Lào đã ngăn cấm các lực lượng quân sự nước ngoài hoạt động tại đây. Lo ngại sẽ vi phạm Hiệp định, năm 1964 Washington đã có chỉ thị hạn chế các hoạt động ngầm tại Lào như sau: "Các lực lượng của chính phủ Nam Việt Nam không được phép hoạt động dọc theo biên giới Lào... Các nhân viên Hoa Kỳ không được phép tham gia các hoạt động ngầm của Nam Việt Nam tại Lào"(4).
Tháng 3-1964, Hội đồng tham mưu liên quân đã gây sức ép buộc Bộ trưởng McNamara xóa bỏ hạn chế trên vì "đã làm giảm hiệu quả hoạt động quân sự ở Việt Nam". Tháng 5-1964, sau khi có bản báo cáo tình báo cho thấy "các hoạt động hậu cần tích cực của đối phương tại Lào", Hội đồng tham mưu liên quân được phép "đề xướng các kế hoạch hoạt động qua biên giới hỗn hợp với chính phủ Nam Việt Nam và tiến hành các hoạt động tuần tra thu thập tin tức tình báo có giới hạn tại Lào". Trên thực tế điều này có nghĩa là các toán thám báo của Nam Việt Nam có thể qua biên giới Lào, nhưng các cố vấn Mỹ không được phép đi cùng các toán này(5).
Clyde Russell, chỉ huy trưởng của SOG lúc bấy giờ, biết được quyết định trên khi ông được gọi đến Sài Gòn trong một chuyến thăm của McNamara và được tham gia cuộc họp với sự có mặt của tướng Westmoreland, tướng Taylor và Đại sứ Lodge. McNamara hỏi Russell có một câu: "Bao giờ có thể triển khai hoạt động ở Lào... Tôi muốn có các hoạt động thám sát hệ thống đường giao thông xuất phát từ đường Chín". Trong vòng 30 ngày, các toán thám báo cần sẵn sàng triển khai. Đó là ý kiến thể hiện đúng tính cách của McNamara. Russell trình bày rằng mặc dù có thể huấn luyện các toán thám báo Nam Việt Nam "nhưng tôi cho rằng các toán này không thể mang lại kết quả cụ thể nào nếu không có sự tham gia của nhân viên Mỹ". McNamara trả lời "tôi đồng ý, tuy nhiên ngoại trưởng Rusk cho rằng vào lúc này chúng ta không nên đưa lực lượng Mỹ vào khu vực đó"(6).
Russell muốn phát triển một kế hoạch đầy tham vọng mang tên "Leaping Len" và huấn luyện các toán thám báo Việt Nam. Tuy nhiên các toán này tỏ ra không đủ năng lực tiến hành các hoạt động "bên kia giới tuyến" ở Lào và chỉ có một số ít là còn sống sót trở về. Đó là một thảm hoạ, mặc dù hoạt động này có mang lại một số thông tin bổ ích về hoạt động của quân đội Bắc Việt Nam dọc theo đường mòn. Những lực lượng này không phải là các toán du kích chân đất đi bộ xuyên rừng rậm mà là các đơn vị chủ lực của Bắc Việt Nam. Hà Nội bảo vệ tuyến đường khá nghiêm ngặt vì ý nghĩa chiến lược của nó đối với việc tiến hành chiến tranh ở miền Nam.
Vào đầu năm 1965, MACV kiến nghị cần làm một việc gì đó với phần đường mòn tại Lào. Tuy nhiên Washington vẫn còn lo ngại về tính nhạy cảm chính trị nếu Mỹ có can thiệp quân sự bí mật tại Lào. Đây chính là tình trạng mà Don Blackburn kế thừa khi nhận chức chỉ huy trưởng SOG tháng 5-1965. Blackburn nhanh chóng nhận ra là nếu SOG tiến hành các hoạt động chống lại đường mòn, các toán thám báo phải do Mỹ chỉ huy. Blackburn giải thích "Vì sự thất bại của các toán thám báo người địa phương, tôi cho rằng hoạt động này phải do Mỹ chỉ huy và lãnh đạo". Để làm điều đó cần được phép của cấp cao hơn ở Washington. Blackburn thực hiện một chuyến công tác đặc biệt đến Washington để giải trình lập luận của mình. "Tôi biết là tôi phải đi để có được đèn xanh cho hoạt động bên kia biên giới tại Lào và tôi đã làm như vậy"(1).
Trong khi Blackburn đang đấu tranh, SOG xây dựng một kế hoạch hành động ở Lào. Kế hoạch này đề ra "3 giai đoạn khởi đầu bằng các nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo chiến lược với thời gian lưu trú ngắn cho đến nhiệm vụ phá hoại với thời gian lưu trú dài hơi hơn tiến đến các nhiệm vụ dài hạn là phát triển nguồn chống đối"(2). Giai đoạn một của kế hoạch này được phê chuẩn vào tháng 9-1965. Toán thám báo do Mỹ chỉ huy đầu tiên được tung vào Lào vào tháng 10-1965. Tuy nhiên trước khi mọi việc được triển khai, các đại diện của Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, CIA, Đại sứ quán Mỹ tại Lào, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và MACV đã bàn thảo và đi tới nhất trí với nhau về những giới hạn của hoạt động này. Tương tự như các bộ phận khác của SOG, bộ phận chỉ đạo hoạt động thám báo cũng gặp phải những vấn đề trong quản lý, sự giám sát chặt chẽ về chính trị và các giới hạn ngặt nghèo trong hoạt động.
Về mặt tổ chức, hoạt động chống lại đường mòn Hồ Chí Minh được giao cho một bộ phận mới của SOG. Trong sơ đồ tổ chức năm 1969, bộ phận này có mật danh OP35 - "nhóm nghiên cứu mặt đất". Để hình thành bộ phận này, Blackburn đã tuyển chọn một sĩ quan lừng danh trong quân đội, đại tá Arthur D. Simon. Được mô tả là người "chiến binh cứng rắn và thô lỗ", Simon còn được gọi một cách ngắn gọn hơn là người "không biết sợ”. Simon vừa là chiến binh vừa là chỉ huy và đã chứng tỏ phẩm chất đó của mình trong nhiều trận đánh. Mọi người muốn đi theo và tin ở khả năng lãnh đạo đưa họ vượt qua mọi tình huống nguy hiểm của Simon. Lời khen ngợi dưới đây của một nhân viên đã từng cùng chiến đấu với Simon minh chứng cho điều này. "Tôi muốn đi theo Simon "bò tót" ngay cả khi xuống địa ngục rồi quay trở về chỉ vì một niềm thích thú duy nhất là được đi cùng anh ta".
Với biệt danh "bò tót", Simon trước đó đã từng làm việc với Blackburn. Blackburn đã chọn và giao cho Simon tổ chức và huấn luyện các đơn vị địa phương quân ở Lào trong những năm đầu 1960. Simon đã đưa toán quân 107 người tham gia một chiến dịch có mật danh "White Star - Sao trắng" ở Lào. Mục tiêu ban đầu của chiến dịch là huấn luyện quân đội Lào. Tuy nhiên, sau đó Simon được giao nhiệm vụ giúp đỡ những người dân tộc vùng núi cao tiến hành các hoạt động du kích quấy phá giao thông dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh. Khi hoàn thành nhiệm vụ, Simon đã thành lập một lực lượng đáng kể những người thiểu số. Các toán "Sao trắng" này chủ yếu hoạt động ở cao nguyên Boloven.
Có thể dễ dàng đoán trước được kết quả hoạt động do Simon "bò tót" chỉ huy. Blackburn nhớ lại "Chúng tôi đã nắm giữ cao nguyên Boloven cho đến Hiệp định Paris 1962... trong chiến dịch "Sao trắng" chúng tôi đã nhét được chiếc nút vào chai và điều đó hết sức thuận lợi... chính Simon đã làm được việc này. Cao nguyên Boloven thường được coi là vùng cổ chai của dòng di chuyển từ Bắc xuống Nam. Simon đã nhận ra điều này và muốn làm một việc gì đó... Vào lúc bấy giờ Pathet Lào đang kiểm soát Boloven. Simon đã chỉ huy chiến dịch đẩy Pathet Lào ra khỏi cao nguyên và chiếm giữ vùng này cho đến khi buộc phải rút lui theo Hiệp định Giơnevơ”(3).
Năm 1965, Simon nhận được một cú điện thoại của Blackburn. Blackburn đang cần người để tổ chức các toán thám báo do Mỹ chỉ huy cho các hoạt động bí mật tại Lào. Simon được biết mục đích của các hoạt động đó là "xây dựng năng lực ngăn chặn sự di chuyển nguồn cung cấp dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh và mọi việc bắt đầu từ con số không. Chúng tôi biết rằng phải mất nhiều thời gian để đạt được mục đích đó"(4). Ngay lập tức Simon lên đường đến SOG.
Bộ máy do Simon lập ra năm 1965 phát triển một cách nhanh chóng trong những năm sau. OP35 trở thành bộ phận hoạt động lớn nhất của SOG. Năm 1966, 137 toán thám báo được tung sang hoạt động ở Lào. Bắt đầu từ năm 1967, địa bàn hoạt động của OP35 mở rộng sang Campuchia. Năm 1969, số điệp vụ thực hiện ở Lào và Campuchia là 400. Phần lớn các điệp vụ này là các toán nhỏ do sĩ quan Mỹ chỉ huy có nhiệm vụ xác định mục tiêu cho máy bay không kích. Các điệp vụ khác bao gồm bắt cóc người của đối phương, đánh giá kết quả oanh kích, chụp ảnh mặt đất, đặt máy nghe trộm điện thoại và cài đặt các thiết bị cảm ứng điện tử.
Các bộ phận hỗ trợ của SOG
SOG có ba bộ phận hỗ trợ chính cho bốn bộ phận nghiệp vụ. Bộ phận thứ nhất là "Bộ phận nghiên cứu hàng không” và "Nhóm nghiên cứu hàng không" được biết đến dưới mật danh OP32 và OP75. Bộ phận nghiên cứu hàng không vạch kế hoạch hỗ trợ hàng không còn OP75 có chức năng thực hiện các kế hoạch đó và được trang bị các loại máy bay: trực thăng chiến thuật, vận tải và máy bay kiểm soát không trung. Các máy bay này được bố trí tại Việt Nam và Thái Lan.
Sự hỗ trợ của máy bay trực thăng, phần quan trọng cho các điệp vụ của OP35 ở Lào và Campuchia, do một đơn vị của không quân Nam Việt Nam - phi đội trực thăng 219 - và hai phi đội trực thăng hoạt động đặc biệt của không lực Hoa Kỳ tại Udorn và Nakhon Phanom, Thái Lan thực hiện. Các máy bay chiến thuật và kiểm soát không lưu chủ yếu là của Hoa Kỳ, mặc dù Nam Việt Nam có giao cho SOG một phi đội máy bay chiến đấu. Cuối cùng, SOG có các phi công từ một nước thứ ba: Đài Loan, lái những chiếc máy bay không số hiệu xâm nhập vào miền Bắc Việt Nam.
Bộ phận đáng chú ý thứ hai là Phòng hậu cần-OP40. Trong khi hoạt động hậu cần thường mang tính ổn định, OP40 là một ngoại lệ vì bộ phận này làm việc với Văn phòng hỗ trợ chống bạo loạn và Văn phòng hậu cần Viễn Đông tuyệt mật của CIA, cả hai đều đặt tại Okinawa. Hai cơ quan này cung cấp cho SOG hàng loạt thiết bị chiến tranh đặc biệt như các vũ khí chuyên dụng, trang phục của quân đội Bắc Việt Nam cho các đơn vị thám báo, súng AK47, các loại bẫy, thiết bị nghe trộm đặc biệt và các chất làm cho gạo nhiễm độc.
Những thiết bị khác thường, và đôi khi rất ác hiểm này, không hẳn đã được Washington đánh giá cao. Singlaub nhớ lại một trường hợp có liên quan đến việc làm nhiễm độc các kho chứa gạo dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. “Chúng tôi gặp phải một số rắc rối liên quan đến gạo. Tôi muốn dùng một hoá chất có tên Bitrex có thể dễ dàng làm cho gạo hư hỏng mà gạo vô cùng cần thiết cho hoạt động của quân đội miền Bắc. Đôi khi chúng tôi gặp kho gạo chứa đến 100 tấn, đó là một số lượng lớn. Nếu chúng tôi có thể dùng Bitrex để rải lên gạo, thứ gạo đó sẽ không dùng được nữa...- Bộ Ngoại giao không cho dùng Bitrex. Nhưng trong thực tế số gạo đó là để cho quân đội sử dụng và nếu bị huỷ hoại sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho hoạt động cung cấp của đối phương"(5). Bộ Ngoại giao coi Bitrex là một vũ khí hoá học, mặc dù nó không gây độc hại gì; hoá chất này chỉ làm cho gạo có vị đắng. Sau những cuộc tranh luận căng thẳng giữa Bộ Ngoại giao và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, cuối cùng Singlaub được phép sử dụng Bitrex.
Bộ phận thứ ba có vai trò cực kỳ quan trọng đối với mọi hoạt động của SOG là phòng thông tin liên lạc, OP60. Các thiết bị mật mã cao cấp của bộ phận này đảm bảo liên lạc an toàn với các nhân viên của SOG đang hoạt động trên thực địa. Một trong những trạm chuyển tiếp tiền tiêu của phòng được đặt ở trên đỉnh ngọn núi dựng đứng ở Nam Lào. Trạm này đã trở thành vị cứu tinh cho các toán thám báo tại Lào đang gặp khó khăn trầm trọng trong việc duy trì liên lạc. Theo một cựu thám báo, từ đỉnh núi này các bức điện được chuyển tới cho các toán thám báo và nhờ đó giải quyết được vấn đề sống còn mà họ đang gặp phải. "Bộ đội Bắc Việt Nam đã phát hiện ra thủ đoạn hoạt động của SOG và bắt đầu để cho các toán thám báo đổ bộ an toàn và chờ cho đến khi máy bay trực thăng đi khuất và khỏi tầm liên lạc mới bắt đầu tấn công"(6). Mang mật danh Leghorn, đài tiếp sóng tỏ ra vô cùng quý báu. Vị trí này cũng là trung tâm của hệ thống tình báo kỹ thuật hiện đại của cơ quan an ninh quốc gia thu tin và gây nhiễu thông tin của quân đội Bắc Việt Nam, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động của SOG và hoạt động tình báo có liên quan khác.
Bốn nhiệm vụ chủ yếu của SOG: cài cắm các toán biệt kích và chương trình đánh lạc hướng; chiến tranh tâm lý; hoạt động phá hoại ven biển; và ngăn cản đường mòn Hồ Chí Minh cấu thành chiến dịch bán vũ trang bí mật. Điều cốt yếu là để có vai trò nào đó trong chiến lược quân sự Mỹ ở Việt Nam, các bộ phận cấu thành cần được thực hiện dưới dạng một chiến dịch chung thống nhất.
Vạch kế hoạch quân sự là một yếu tố của hoạch định chính sách và chiến lược chiến tranh. Chiến lược quân sự thường bao gồm một hay nhiều chiến dịch. Những chiến dịch đó diễn ra ở tầm hoạt động mà mục đích của chúng là hoàn thành mục tiêu chiến lược đã đề ra.
Bốn nhiệm vụ cốt lõi của SOG tạo thành nền tảng cho chiến dịch bán quân sự bí mật nhằm vào hai mục tiêu tối quan trọng: an ninh nội bộ và sự kiểm soát dân chúng của Hà Nội và việc sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh. Chiến lược đề ra trọng điểm cho mọi chiến dịch và ngược lại mọi chiến dịch phải hỗ trợ mục tiêu của chiến lược. Như cách nói của giới quân sự, chiến lược biến chính sách thành khái niệm quân sự thông qua việc đề ra mục tiêu chiến lược quân sự. Đến lượt mình, những mục tiêu quân sự đó thường là một bộ phận cấu thành của chiến lược toàn diện để tiến hành chiến tranh.
Do vậy, có mối tác động qua lại và thống nhất giữa chính sách, chiến lược và chiến dịch. Chính sách xác định mục đích mà chiến lược cần phải đạt được. Còn chiến dịch chỉ có ý nghĩa khi chúng hỗ trợ và thống nhất với chiến lược và được phối hợp chặt chẽ. Sự hài hoà sẽ củng cố thành công, còn lủng củng sẽ làm giảm thắng lợi. Trong trường hợp SOG, sự phối hợp và thống nhất tỏ ra hết sức khó khăn, đôi khi còn không tồn tại. SOG đã triển khai và thực hiện chiến dịch bán quân sự bí mật tập trung vào hai mối lo ngại chiến lược của đối phương. Tuy nhiên, không có những nỗ lực rõ ràng nhằm hoà hợp chiến dịch đó với chiến lược quân sự tổng thể cho chiến tranh Việt Nam.
CHỈ HUY VÀ KIỂM SOÁT SOG
Những hoạt động mà SOG tiến hành được coi là rất nhạy cảm và gây lo ngại cho giới quân sự và các nhà vạch chính sách mặc dù với các lý do hoàn toàn khác nhau. Thực ra có yếu tố xuất phát từ thái độ của Washington. Đầu tiên, chính quyền Kenedy rất nhiệt tình với các hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam và muốn quản lý các hoạt động này ở tầm thực hiện. Các quan chức cao cấp, do không lường trước được tính phức tạp trong việc thực hiện chiến dịch ngầm tại địa bàn bị từ chối, mong muốn có ngay hiệu quả. Hơn nữa họ đòi phải biết hết mọi chi tiết. Tác động là gì? Hà Nội có cảm thấy sức ép không? Washington muốn biết tất cả mọi thứ.
Khi kết quả không được như ý muốn, mọi người nhanh chóng đổ lỗi cho nhau. Kenedy không hài lòng với kết quả các hoạt động chống phá miền Bắc của CIA và giao việc này cho Lầu Năm Góc. Sau đó, vào cuối mùa xuân 1964, chính quyền Johnson thất vọng vì sự tiến triển chậm chạp của SOG và McNamara kêu gọi tăng cường số lượng điệp vụ ngay lập tức. Vì chiến tranh tập trung chủ yếu vào các hoạt động theo quy ước, vị chỉ huy thứ ba của SOG, Singlaub nhận xét rằng các quan chức hoạch định chính sách cao cấp không còn để tâm đến sự đóng góp của hoạt động ngầm nữa. "Tôi cảm nhận rất rõ là thái độ đó diễn ra vì thiếu nhận thức về tác dụng hỗ trợ của hoạt động ngầm đối với hoạt động thông thường. Trước khi đưa quân đội vào Việt Nam, hoạt động ngầm là biện pháp quân sự duy nhất. Khi quân đội đã được đưa vào, người ta tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu của chúng ta. Ai ai cũng lạc quan: chỉ cần đưa vài trung đoàn vào là chúng ta sẽ nghiền nát họ. Nhưng điều đó không xảy ra và chúng tôi, những người nghiên cứu vấn đề này, biết rằng mọi chuyện sẽ không diễn ra theo chiều hướng đó"(1).
Thái độ mâu thuẫn trên của các nhà hoạch định chính sách bắt nguồn từ một thực tế là họ vừa tích cực ủng hộ hoạt động ngầm vừa hiểu rõ những hệ quả ngoài ý muốn mà những hoạt động đó có thể gây ra. Họ sợ nhất là sự việc bị vỡ lở trước công luận. Các nhà vạch chính sách dân sự thì e ngại làm đảo lộn tình hình ở Lào và đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế nếu như các phi vụ phá hoại đường mòn Hồ Chí Minh bị đưa ra công khai. Đối với Bắc Việt Nam, họ sợ rằng sự mất ổn định ở miền Bắc sẽ dẫn tới sự can thiệp của Trung Quốc, tạo ra một Triều Tiên thứ hai. Thậm chí nếu điều đó không xảy ra, các hoạt động ngầm nếu quá liều có thể buộc miền Bắc đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Những mối lo ngại này đã tạo ra hàng loạt giới hạn cho mọi hoạt động của SOG. Khi sự nhiệt tình đối với hoạt động ngầm giảm đi, sự lưỡng lự và những hạn chế trong hoạt động được duy trì đến phút cuối cùng. Hệ quả là, sự giám sát của Nhà Trắng đối với SOG là hết sức nghiêm ngặt.
Các quan chức quân sự cao cấp cũng khó chịu đối với hoạt động của SOG, nhưng với lý do khác hẳn. Mối quan tâm của họ liên quan nhiều hơn đến thái độ của giới quân sự chính thống đối với chiến tranh đặc biệt nói chung, bất kể đó là chống bạo loạn hay chiến tranh không quy ước. Các tướng lĩnh không tin là hoạt động đặc biệt có thể đóng góp nhiều cho việc tiến hành chiến tranh ở Nam Việt Nam. Blackburn đã mô tả như sau "Tại sao chúng ta không thể sử dụng lực lượng đặc biệt theo cách có hiệu quả hơn? Westmoreland là một vị tư lệnh chính thống... Ông thường xuyên gặp tư lệnh các lực lượng và quan tâm đến công việc của họ. Ông ta chẳng bao giờ để ý đến chúng tôi"(2).
Các viên tướng của Lầu Năm Góc lại có lý do khác để phản đối hoạt động bí mật. Sự hấp dẫn của hoạt động này cùng với nhiệt tình của Kenedy đối với lực lượng mũ nồi xanh thu hút sự chú ý của các sĩ quan trẻ đầy hứa hẹn. Đối với số lãnh đạo quân đội cao cấp thì đây là vấn đề. Singlaub hiểu rõ thái độ này qua chính sự nghiệp của mình. Đã từng là một trong những sĩ quan hoạt động đặc biệt tài năng nhất của quân đội, nhưng Singlaub lên được cấp tướng là nhờ những thành tích công tác trong các công việc có tính chính thống. Thực ra, khi biết mình được chọn làm chỉ huy trưởng của SOG, Singlaub, lúc bấy giờ là đại tá, đã cố thoái thác. Ông đề nghị tham mưu trưởng lục quân Harold Johnson cho phép ông giữ một vị trí chỉ huy trong lực lượng thông thường tại Việt Nam. Singlaub nhớ lại "lúc đó vẻ mặt của Johnson thể hiện sự mất kiên nhẫn... Ông ta nói với tôi: Jack, tướng Westmoreland đã yêu cầu đích danh cậu làm chỉ huy trưởng của SOG và đó sẽ là nhiệm vụ của cậu(3). Điều này có vẻ như mâu thuẫn. Tại sao giới quân sự chính thống lại sợ mất những sĩ quan trẻ triển vọng mà lại cử một đại tá hạng nhất nhận nhiệm vụ tại SOG? Có lẽ lý do mà Westmoreland khăng khăng chỉ định Singlaub chính là những thành tích mà Singlaub có được khi thực hiện nhiệm vụ thông thường chứ không phải kinh nghiệm hoạt động đặc biệt. Singlaub không phải mẫu người hùng mà Westmorelanh ít thiện cảm như Blackburn. Westmoreland cảm thấy Singlaub dễ chịu hơn.
Tất cả nhưng e ngại, lo sợ của giới quân sự và dân sự cao cấp đã tạo nên một tiến trình phê duyệt rắc rối cho mọi điệp vụ của SOG. Hàng tháng, mỗi bộ phận của SOG phải đề ra kế hoạch hoạt động cho 30 ngày của tháng tới. Kế hoạch này được chỉ huy trưởng của SOG đệ trình trực tiếp lên Westmoreland. SOG cố tình bỏ qua đối tác của mình là Tổng nha kỹ thuật chiến lược mặc dù OPLAN34 xác định là việc phối hợp và hỗ trợ hoạt động ngầm của Tổng nha kỹ thuật chiến lược là tối quan trọng. Lý do Tổng nha kỹ thuật chiến lược bị gạt ra ngoài là vì lãnh đạo của SOG tin rằng cơ quan này đã bị xâm nhập. Bản kế hoạch sau đó được trình lên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương cho ý kiến rồi gửi cho Hội đồng tham mưu liên quân - tới Trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt. Trong Lầu Năm Góc, viên trợ lý này sẽ trình bản kế hoạch cho Văn phòng Bộ trưởng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân xem xét và phê duyệt. Sau đó nhân viên của trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt sẽ mang bản kế hoạch hoạt động sang Bộ Ngoại giao, CIA và Nhà Trắng để xin phê duyệt.
Tại bất kỳ khâu nào trong tiến trình trên, các hoạt động nêu trong kế hoạch đều có thể bị sửa đổi hoặc gạch bỏ. Theo hai vị chỉ huy trưởng đầu tiên của SOG, việc này thường xuyên xảy ra. Russell nhận xét “Khi chúng tôi gửi bản kế hoạch về nước, nó đã bị thay đổi ít nhiều rồi. Khi trình lên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương nó bị thay đổi thêm ít nữa và khi đến được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, bản kế hoạch tiếp tục bị cắt xén". Sau Hội đồng tham mưu trưởng liên quân là đến lượt các cơ quan dân sự.
Russell cho rằng tiến trình phê duyệt này tạo ra “quá nhiều” hạn chế một cách quá "thường xuyên"(4). Don Blackburn cũng có cái nhìn tương tự "sự kiểm soát chặt chẽ từ Washington đã kìm hãm các hoạt động. Tôi hiểu được những vấn đề Washington đang gặp phải nhưng sự kiểm soát nghiêm ngặt đó làm mất thời gian tính. Điều lạ lùng là một số hoạt động do Nhà Trắng trực tiếp phê duyệt. Đôi khi phải mất ba bốn tuần lễ để ra quyết định"(5).
Một ví dụ điển hình của quá trình cắt xén này là việc Bộ Ngoại giao khăng khăng không cho SOG hoạt động ở Lào với lý do: theo Hiệp định Giơnevơ năm 1962, Lào là quốc gia trung lập và những nỗ lực đưa các toán thám báo do Mỹ chỉ huy vào hoạt động phá hoại đường mòn Hồ Chí Minh bị ngăn cản cho đến mùa thu năm 1965. Khi Đại sứ Mỹ ở Lào William Sulivan không thể ngăn SOG được nữa, ông đã thành công trong việc đặt ra một loạt những giới hạn nghiêm ngặt cho các hoạt động bí mật. Theo Blackburn "Sulivan muốn chúng tôi giới hạn hoạt động trong một khu vực khoảng 20x30 dặm. Ông ta cũng không muốn chúng tôi sử dụng máy bay trực thăng... Sau khi nghe tôi giải thích ông hiểu ra nhưng chỉ đồng ý cho sử dụng máy bay trực thăng để đưa các toán thám báo ra chứ không cho đưa vào. Phải rất vất vả mới có thể làm nhẹ bớt những giới hạn ngặt nghèo này"(6).
Tương tự như vậy, CIA không muốn cho SOG hoạt động ở Lào nhưng không phải vì Hiệp định Giơnevơ. CIA cũng đang chỉ đạo một cuộc chiến bí mật ở bắc Lào. CIA đã tổ chức và vũ trang cho người H'mông do Vàng Pao chỉ huy và không muốn SOG đụng chạm đến địa bàn họ đang hoạt động.
Thậm chí sau khi kế hoạch hoạt động được phê duyệt, quá trình giám sát vẫn chưa kết thúc. Mỗi một điệp vụ cụ thể của kế hoạch đó đều phải trải qua quá trình phê duyệt tương tự. 24 giờ trước khi tiến hành điệp vụ, SOG phải báo cáo cho các cơ quan cho phép về điệp vụ đó qua MACV.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment