TOÁN BIỆT KÍCH IDAHO BÊN LÀO
By: John “Tilt” Stryker Meyers
Tôi lúc nào cũng nghĩ, Chủ Nhật không phải là ngày tốt để đi hành quân, đặc biệt trong Hành Quân Prairie Fire trên đất Lào, vì khu vực hành quân xâm nhập rất nguy hiểm. Tuy nhiên, những hôm trước ngày 6 tháng Mười năm 1968, thời tiết xấu, nhiều mây, thay đổi bất thường nên các chuyến xâm nhập, phát xuất từ căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB-1), Phú Bài phải đình hoãn lại.
Căn cứ hành quân tiền phương 1 (FOB-1) của đơn vị SOG nằm nơi hướng bắc phi trường Phú Bài, trên quốc lộ 1, cách thành phố Huế khoảng mười dặm về hướng nam. Khi không có toán biệt kích xâm nhập, các sĩ quan cao cấp trong Saigon lo lắng (áp lực từ trên xuống). Do đó mỗi buổi sáng, việc đầu tiên người trưởng toán biệt kích thường làm là để ý thời tiết, nhìn về rặng núi (Trường Sơn) nơi hướng tây Phú Bài. Nếu trời quang đãng không có mây, cấp chỉ huy đơn vị SOG trên căn cứ hành quân tiền phương sẽ tìm cách đưa một toán biệt kích hay một đơn vị xung kích Hatchet Force vào khu vực hành quân Prairie Fire.
Ngày hôm qua, thứ Bẩy, bầu trời có lúc quang đãng, đủ thời gian cho trưởng toán (1-0) biệt kích Idaho, trung sĩ Donald W. “Don” Wolken bay thám sát khu vực hành quân, tìm bãi đáp xâm nhập. Trong khi đó, “ở nhà”, tôi cùng LLĐB/VN Sáu thanh tra vũ khí, đạn dược, “đồ nghề” đem theo hành quân của các toán viên.
Sáng Chủ Nhật, bầu trời trong sáng như thủy tinh. Trưởng toán Wolken cùng với Sáu thanh tra toán viên thêm một lần nữa. Mỗi biệt kích Hoa Kỳ phải đem theo 25 băng đạn súng CAR-15, người Việt Nam (đa số biệt kích trong toán “Mỹ” là người Thượng, hoặc Nùng) 20 băng đạn. Cả Wolken và tôi đều gắn thêm khẩu súng phóng lựu đạn M-79 đã cưa ngắn nòng súng, 21 viên đạn và một viên đạn khói cay. Wolken còn đeo thêm khẩu súng lục gắn đầu hãm thanh. Tôi mang máy truyền tin và một lô lựu đạn. Robinson cùng với biệt kích Việt Nam mang theo mấy qủa mìn Claymore và một cục pin phòng hờ cho máy truyền tin PRC-25. Sáu và tất cả biệt kích Hoa Kỳ được mang theo máy báo tín hiệu “cấp cứu” URC-10.
Trước khi lên đường, cả toán biệt kích Idaho chụp tấm hình kỷ niệm, mặc dầu Sáu và người thông ngôn Hiệp, sợ chuyện xui xẻo đến với toán biệt kích.
Vài phút sau, chúng tôi lên trực thăng H-34 do phi hành đoàn Việt Nam trong phi đoàn 219 “King Bee” (rất nổi tiếng trong đơn vị SOG) đưa đi xâm nhập. Từ trên cao nhìn xuống một mầu xanh của núi rừng, tôi nhớ đến nông trại của ông tôi ở Belle Mead, tiểu bang New Jersey. Khi trực thăng bay qua biên giới, người xạ thủ khẩu đại liên 30 thử khẩu súng bằng cách bắn một tràng đạn xuống cánh rừng ở dưới.
Mấy tay phi công “King Bee” có lối đáp trực thăng rất độc đáo, thả rơi từ trên cao khi gần tới mặt đất mới nổ máy từ từ đáp xuống, làm cho toán biệt kích ngồi bên trong “lên ruột”. Bãi đáp là một hố bom, khi bánh chiếc trực thăng chạm đất, trưởng toán Wolken ngồi ngay cửa đảo mắt xung quanh bãi đáp thật nhanh, xem có dấu hiệu của địch, rồi toán biệt kích nhẩy ra biến mất vào đám cỏ tranh cao hơn đầu người.
Tôi liên lạc với chiếc Covey bao vùng do trung sĩ nhất Robert “Spider” Parks (cựu trưởng toán biệt kích SOG) lái, cho anh ta biết toán biệt kích “OK”. “Spider” bay bao vùng thêm mười phút rồi lặng lẽ quay trở về căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài.
Toán biệt kích Idaho bắt đầu di chuyển, Phước là người dẫn đường, đi đầu, Sáu theo sau, rồi đến Wolken. Đến một chỗ an toàn, toán biệt kích dừng lại nghỉ mệt, Phước, Sáu và Wolken lấy bùn thoa lên chỗ bị ong chích.
Tiếp tục di chuyển khoảng nửa tiếng đồng hồ, Phước ra dấu hiệu, có nhiều tiếng động ở phiá trước. Vài giây sau, tất cả mọi người đều nghe tiếng động, cả toán biệt kích vội tìm chỗ nấp sau những thân cây. Tôi nghĩ lính Bắc Việt, rút chốt qủa lựu đạn M-26, nhưng không phải địch quân mà là một đàn khỉ đang đùa giỡn, la hét, trên những cành cây.
Sau khi “tái mặt” vì đàn khỉ, chúng tôi áp dụng kỹ thuật di chuyển căn bản, đi mười phút, đứng lại nghe ngóng mười phút. Trong rừng, bạn có thể đoán biết chuyện đang xẩy ra xung quanh bằng cách nghe ngóng cũng như nhìn thấy. Đến giữa trưa, chúng tôi nghe được một phát súng “báo hiệu” có lẽ của toán đi tìm dấu vết toán biệt kích.
Toán biệt kích Idaho lặng lẽ di chuyển, đến khoảng 2:00 giờ chiều, có thêm tiếng súng báo hiệu, làm như chúng đã tìm ra lộ trình của toán biệt kích. Đến xế chiều, toán tìm dấu vết của địch đã tiến đến gần toán biệt kích, nhanh hơn chúng tôi nghĩ. Nhận ra điều đó, toán Idaho tiếp tục di chuyển cho đến khi trời tối, không còn chút nắng, mới tìm chỗ đóng quân đêm. Khi đặt mìn Claymore phòng thủ, địch quân bắn thêm một phát súng cuối cùng làm cả toán biệt kích giật mình, có cảm tưởng như địch quân chỉ còn cách mười thước.
Vì khoảng cách với toán tìm dấu vết của địch quá gần, chúng tôi đợi đến nửa đêm mới lôi đồ ăn ra, ăn vội vàng. Chúng tôi báo cáo lên phi cơ tiếp vận, bay bao vùng 24/24, cho tất cả các đơn vị Bộ Binh trong quân Lực Hoa Kỳ liên lạc, rằng toán biệt kích Idaho “OK”, rồi đi ngủ.
Khi ánh sáng bình minh hôm sau vừa ló dạng, toán biệt kích di chuyển ngay tức khắc. Chiếc FAC Covey cũng đã lên vùng, tôi báo cáo tình hình để FAC chuyển tiếp về căn cứ hành quân tiền phương Phú Bài. Tôi để ý cặp mắt của Sáu càng lúc càng to ra, anh ta đã làm trưởng toán biệt kích SOG được 5 năm, đầy kinh nghiệm, có thể “đánh hơi” địch quân. Đến một chỗ an toàn, dừng chân, Sáu cho biết linh cảm địch quân rất đông. Tôi chưa tin, vẫn chưa thấy dấu hiệu gì của quân đội Bắc Việt, nhưng hơi lo.
Đến trưa, tôi báo cáo cho Covey, mọi chuyện êm xuôi và những linh cảm của Sáu. Covey trả lời, nên tin những lời Sáu nói (“Spider” đã từng làm trưởng toán biệt kích SOG, biết Sáu), rồi hẹn sẽ quay lại lúc 4:00 giờ chiều.
Sau đó, Sáu và Hiệp đổi vị trí trong toán, Sáu sẽ đi cản hậu, tôi đi ở vị trí thứ năm, trước anh ta. Khoảng 1:00 giờ chiều, chợt Sáu ra dấu hiệu tiếng “phì phì” như rắn hổ mang. Trên ngọn đồi (phiá bên kia) toán biệt kích vừa đi xuống, xuất hiện hai người lính Bắc Việt võ trang AK-47, đang nhìn toán biệt kích di chuyển mỉm cười, họ “Mỉm Cười!” thay vì đưa súng lên bắn chúng tôi. Hai người lính Bắc Việt chỉ cách khoảng 45 thước, tôi đưa khẩu súng lên định bắn ra một quả M-79, nhưng Sáu ngăn lại, nói “Đi nhanh lên, tụi nó đông lắm!”.
Tôi báo cáo cho Wolken, anh ta ra lệnh cho toán biệt kích di chuyển nhanh lên núi. Một tiếng đồng hồ sau, chúng tôi lên đến một mỏm núi, đủ rộng cho cả toán biệt kích. Wolken ra lệnh cho tôi gọi chiếc FAC quay trở lại càng sớm càng tốt.
Lúc đó, cặp mắt của Sáu mở to như hai cái điã. Tôi dựng cần antena gọi cho FAC nhưng không nghe trả lời, hai ba lần vẫn không được. Tôi bấm máy máy “cấp cứu” URC-10, tín hiệu khẩn phát đi từ máy này, tất cả các loai phi cơ đang trong vùng hành quân Prairie Fire đều có thể nhận được, nhưng cũng không ai trả lời.
Tôi mở hộp Apricot ngồi ăn, chưa hết thì tiếng súng tiểu liên AK-47 nổ vang dội. Sáu, Phước, Hiệp và Wolken phản ứng nhanh chóng, bắn trả lại. Tôi chưa từng nghe tiếng súng AK-47 nổ lớn và thật gần như lần này. Tiếng súng nổ chát chúa, cùng với khói thuốc súng bay mùi khét trong không khí. Rồi tiếng súng tạm ngưng (hình như để ráp băng đạn khác) rồi lại tiếp tục nổ đều đặn.
Mỏm núi nhỏ đã cứu toán biệt kích Idaho, lính Bắc Việt không thể tràn lên số đông cùng một lúc. Tôi bấm máy URC-10 liên tục, gào lên trên máy truyền tin PRC-25. Cả tiếng đồng hồ vẫn chưa liên lạc được với ai để cầu cứu, chúng tôi phải tiết kiệm đạn. Trong khi đó, lính Bắc Việt lôi những xác chết, những người bị thương ra nơi khác, tiếp tục bò lên tấn công.
Cuối cùng, “Spider” trên chiếc FAC lên bao vùng, anh ta cho biết hai chiếc phản lực Phantom F4, trên đường về sau một phi vụ oanh kích trên đất Lào, bắt được tín hiệu khẩn của toán biệt kích Idaho và báo cho anh ta biết. Tôi báo cho “Spider” biết chúng tôi báo động ở mức độ “Prairie Fire”, tất cả các phi cơ, kể cả mấy chiếc F4 đang trên đường lên hướng bắc nước Lào cũng phải quay trở lại để lo cứu toán biệt kích. “Spider” trấn an, cho biết đã có hai trực thăng võ trang thuộc sư đoàn Americal biệt phái cho đơn vị SOG đang trên đường tới.
“Spider” nói cho một qủa khói mầu để đánh dấu vị trí toán biệt kích. Trên máy bay quan sát, “Spider” nhìn thấy vị trí toán biệt kích, anh ta điều động hai chiếc khu trục A1 (đã đến trước) bắt đầu đánh bom trên sườn núi, làm quân Bắc Việt phải chạy xuống chân núi tránh bom.
Khoảng nửa tiếng đồng hồ trước khi trời tối, “Spider” cho biết, trực thăng H-34 “King Bee” đang trên đường đến “bốc” toán biệt kích. Tháp tùng có hai chiếc trực thăng võ trang của sư đoàn Americal. Trong khi chờ đợi, để an toàn cho việc triệt xuất toán biệt kích, “Spider” tiếp tục điều động các phi tuần phản lực F4 đánh phá dọn dẹp xung quanh bãi đáp.
Hai chiếc trực thăng võ trang bay vào trước, rồi đại úy Thịnh (phi đoàn 219 “King Bee”) đáp xuống cách chúng tôi chừng mười thước. Chúng tôi chạy trên đám cỏ tranh ra chiếc trực thăng H-34. Wolken cùng tôi “túm” mấy ông biệt kích nhỏ con Việt Nam ném vào trong lòng chiếc trực thăng, rồi nhẩy lên sau. Đại úy Thịnh vẫn tỉnh bơ đợi chúng tôi lên hết mới cất cánh bay về Phú Bài. Hôm sau chúng tôi mới được biết chiếc trực thăng H-34 gìa nua trúng 48 viên đạn.
Về đến Phú Bài trời đã tối, tôi vào nhà ăn lấy đồ ăn tối cho Sáu, Hiệp, Phước, rồi ngồi ăn với họ. Lần sau, gặp lại đại úy Thịnh, nhất định tôi phải mời ông ta vào câu lạc bộ đãi một chầu bia.
Dallas, TX.
Vđh
No comments:
Post a Comment